Cụm công nghiệp Phú Hòa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp
Đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp
Nằm cách trung tâm TP. Long Xuyên chưa tới 10km, khi cụm công nghiệp Phú Hòa (thị trấn Phú Hòa, Thoại Sơn) được đầu tư xây dựng, 28ha đất cho thuê của cụm công nghiệp nhanh chóng được lấp đầy do đáp ứng đúng nhu cầu quỹ đất của DN. Các lĩnh vực hoạt động chính của cụm công nghiệp Phú Hòa là: chế biến cá tra xuất khẩu, xay xát lúa gạo, lau bóng gạo xuất khẩu, sản xuất cột bê-tông, xưởng may...
Tại đây, nhiều DN đã đầu tư SXKD lâu dài, xây dựng được uy tín, thương hiệu. Điển hình như Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Mỹ (ANMYFISHCO), đặt trụ sở và nhà máy tại lô A2-A3 cụm công nghiệp Phú Hòa, chuyên về nuôi và chế biến cá tra, basa xuất khẩu. DN đã đầu tư và phát triển nhiều vùng nguyên liệu nuôi cá sạch tại An Giang và các tỉnh lân cận, áp dụng quy trình kiểm soát chặt chẽ từ khâu nuôi đến thu hoạch. Thức ăn cung cấp cho vùng nguyên liệu được lấy trực tiếp từ nhà máy chế biến thức ăn thủy sản của công ty. Nhờ vậy, ANMYFISHCO có được vùng nguyên liệu tốt để chế biến ra những sản phẩm chất lượng.
Một DN khác hoạt động cũng khá hiệu quả là Công ty TNHH Thái Sơn An Giang, địa chỉ số 18-19-20, lô 5, đường số 8, cụm công nghiệp Phú Hòa. Công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bê-tông, các sản phẩm từ xi-măng và thạch cao. Cụm công nghiệp Phú Hòa được DN xem như “đất lành” để đầu tư SXKD lâu dài, ổn định.
Nằm trên tuyến đường chính nối huyện Tri Tôn (An Giang) và huyện Hòn Đất (Kiên Giang), cụm công nghiệp Lương An Trà (ấp Giồng Cát, xã Lương An Trà, Tri Tôn) cũng nhanh chóng thu hút các DN đến đầu tư. Với vị trí thuận lợi cả đường bộ và đường thủy (cặp kênh Tám Ngàn), nhiều DN đã đẩy mạnh đầu tư nhà máy, kho chứa lương thực quy mô lớn, công nghệ hiện đại.
Tập đoàn Lộc Trời đã đầu xây dựng chi nhánh sản xuất giống tại đây; Xí nghiệp Lương thực Tri Tôn - Chi nhánh Công ty TNHH MTV lương thực TP. Hồ Chí Minh triển khai nhà máy, kho chứa lương thực. Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú đẩy mạnh đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại; Công ty TNHH SX-TM&DV Hải Thuận An Giang đầu tư vào chế biến bột cá…
Sau Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018, Tập đoàn Tân Long đã triển khai Dự án nhà máy chế biến gạo xuất khẩu Hạnh Phúc với quy mô 16ha, tổng vốn đăng ký 1.100 tỷ đồng tại xã Lương An Trà. Để đáp ứng nhu cầu phát triển mới, năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc mở rộng cụm công nghiệp Lương An Trà từ diện tích từ 30ha ban đầu lên 35,52ha, tập trung vào các lĩnh vực chế biến nông sản, xay xát - lau bóng gạo, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chế biến thủy hải sản… Tổng vốn đầu tư mở rộng cụm công nghiệp 60 tỷ đồng, trong đó chi phí san lấp mặt bằng 14 tỷ đồng, hạ tầng kỹ thuật 17 tỷ đồng, bồi hoàn 27 tỷ đồng...
Tiếp tục hỗ trợ
Là một người từng trải qua những khó khăn, vất vả ban đầu của quá trình khởi nghiệp, anh Nguyễn Vĩnh Điền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Vĩnh Kim (TP. Long Xuyên) cho biết, DN rất cần quỹ đất sạch ở các cụm công nghiệp để đầu tư SXKD. “Đặc thù của các DN khởi nghiệp, DN nhỏ là tận dụng ngay nhà ở để làm trụ sở hoạt động. Cách làm này giúp tiết kiệm chi phí mặt bằng trong buổi đầu khó khăn. Tuy nhiên, khi DN phát triển mạnh lên, nhà ở không thích hợp để làm điểm giao dịch, SXKD. DN cần diện tích đất có vị trí giao thông thuận lợi, hạ tầng kỹ thuật, điện, nước đầy đủ để xây dựng trụ sở, nhà máy hoạt động chuyên nghiệp. Các cụm công nghiệp với quỹ đất sạch có sẵn, hạ tầng đã được đầu tư sẽ đáp ứng được nhu cầu này” - anh Điền phân tích.
Theo Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Minh Hùng, năm 2020, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung thêm hoặc đưa một số cụm công nghiệp ra khỏi danh mục các cụm công nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020, phù hợp với tình hình thực tế. Đến nay, toàn tỉnh có 32 cụm công nghiệp được quy hoạch, tổng diện tích 1.363,48ha.
Bên cạnh 7 cụm công nghiệp được thành lập, tổng diện tích 201ha, có 17 cụm công nghiệp được lập quy hoạch chi tiết, tạo điều kiện cho các địa phương thu hút đầu tư với tổng diện tích trên 445ha. Trong đó, 14 cụm công nghiệp đã có DN hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê khoảng 200ha, thu hút 35 DN trong và ngoài nước đầu tư SXKD. Các lĩnh vực hoạt động chủ yếu là chế biến thủy sản, lương thực, xay xát, lau bóng, vật liệu xây dựng… Tổng mức đầu tư của các DN tại những cụm công nghiệp khoảng 7.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 8.000 lao động.
Ông Hùng cho biết, năm 2021 và những năm tiếp theo, Sở Công thương tiếp tục hỗ trợ địa phương thực hiện các thủ tục thẩm định thành lập, bổ sung, điều chỉnh và mở rộng cụm công nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, hỗ trợ mời gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp, bao gồm đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, ưu tiên các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với quy hoạch và có khả năng tạo ra giá trị kinh tế cao; tăng nhanh hàm lượng khoa học - công nghệ và tỷ trọng nội địa hóa trong sản phẩm công nghiệp. Khi được phê duyệt, Sở Công thương sẽ triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2025; hỗ trợ chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp kinh phí lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp theo chương trình khuyến công…
Sở Công thương An Giang đã tham mưu UBND tỉnh đưa vào chương trình công tác năm 2021 nội dung trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về “Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2025”. Dự kiến, mỗi huyện sẽ được hỗ trợ đầu tư 1 cụm công nghiệp, gồm: hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết 0,5 tỷ đồng; hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng 10 tỷ đồng; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật 20 tỷ đồng. |
NGÔ CHUẨN