An Phú nỗ lực để phát triển

05/04/2018 - 06:47

 - An Phú (An Giang) là huyện đầu nguồn, tiếp giáp Campuchia nên có nhiều lợi thế phát triển. Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội (KTXH), quốc phòng - an ninh. Trong đó, tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện quyết liệt để đạt những chỉ số quan trọng.

Sau Khánh An, Đa Phước là xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM) đầu năm 2018 của huyện An Phú.

Bí thư Đảng ủy xã Đa Phước Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Đến nay, xã đã hoàn thành 18/19 tiêu chí, 48/49 chỉ tiêu, còn 1 tiêu chí chưa đạt là tiêu chí số 5 về trường học.

Theo Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh, nếu các công trình trường học thực hiện trên 70% thì xem như đạt.

Nếu như vậy thì xem như tiêu chí số 5 về trường học của xã đã thực hiện xong, hoàn thành đầy đủ 19/19 tiêu chí, 49/49 chỉ tiêu. Địa phương đã kiến nghị và các sở, ngành tiến hành phúc tra”.

An Phú có nhiều lợi thế phát triển KT biên giới, nhưng trụ cột vẫn là lĩnh vực nông nghiệp. Huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực trong ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận và đảm bảo chất lượng nông sản.

Toàn huyện có 1.089 ha trồng lúa không sử dụng thuốc trừ sâu/rầy; thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ với Tập đoàn Lộc Trời 735ha trồng lúa chất lượng cao…

Đồng thời, có 4 nhà màng và 3 nhà lưới giá rẻ với tổng diện tích hơn 7.000m2; trong đó 3 nhà lưới giá rẻ trồng rau màu các loại và ớt, 4 nhà màng trồng dưa lưới, ớt và ươm giống… mang lại thu nhập khá cho nông dân.

An Phú nỗ lực để phát triển

Nông thôn An Phú ngày càng khởi sắc

Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên 139 tỷ đồng, tăng 12,55% so cùng kỳ. Toàn huyện có 927 cơ sở và 10 doanh nghiệp tư nhân, tổng vốn đầu tư hơn 43,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 2.017 lao động.

Doanh số lĩnh vực thương mại -  dịch vụ 3.420 tỷ đồng, đạt 27,91% kế hoạch năm, trong đó tổng mức bán lẻ và dịch vụ đạt 1.026 tỷ, chiếm 30% tổng doanh thu toàn ngành.   

Nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển, toàn huyện có 62 danh mục công trình đầu tư xây dựng với kế hoạch vốn 118 tỷ đồng, đã triển khai thi công 44 danh mục công trình; đang đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án theo kế hoạch.

Công tác cải cách hành chính tiếp tục phát huy hiệu quả, đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được đảm bảo. Các lực lượng trên địa bàn tăng cường công tác phối hợp tuần tra, canh gác, nắm tình hình, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

Tuyến biên giới ổn định, giữ vững mối quan hệ hòa bình, hữu nghị với chính quyền và Nhân dân Campuchia. Chủ động họp định kỳ với 3 huyện Campuchia giáp ranh nhằm tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế khó khăn. Trong đó, do suy giảm kinh tế đã tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, sức mua của thị trường kém, hàng hóa tiêu thụ chậm, lãi suất cho vay tuy có giảm nhưng các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, phát triển sản xuất khó tiếp cận nguồn vốn.

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU trên địa bàn huyện còn chậm; chuyển đổi cây trồng theo hướng ứng dụng công nghệ cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Trình độ nhận thức về việc làm KT để thoát nghèo của người dân còn thấp, một số hộ còn ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Nhiều lao động NT có trình độ học vấn thấp là hộ nghèo, hộ dân tộc phải làm thuê kiếm sống hàng ngày, nên rất khó trong việc vận động tham gia học nghề nên khó tìm việc làm để có thu nhập ổn định…

Chủ tịch UBND huyện An Phú Mai Minh Hùng cho rằng: Địa phương đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế biên giới. Xác định nông nghiệp là trụ cột, huyện vận dụng cơ chế, chính sách tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân vay vốn đầu tư, nhằm phát triển nông nghiệp, NT và tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững.

Đẩy mạnh đào tạo nghề phù hợp nhu cầu của xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động.Tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng mô hình sản xuất rau màu trong nhà lưới, nhà màng ứng dụng công nghệ cao ở các xã Phú Hữu, Khánh An, Khánh Bình, thị trấn Long Bình và thị trấn An Phú. 

Cùng với đó, cải cách hành chính mạnh mẽ để thu hút đầu tư; tăng cường quản lý chặt chẽ đầu tư công, đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả các công trình. 

Đồng thời, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích