Phụng Hoàng sơn còn có tên là núi Cô Tô hay núi Tô, cao 614m so mặt nước biển, chu vi khoảng 13km, là ngọn núi cao thứ 2 trong dãy Thất Sơn. Có nhiều truyền thuyết dân gian hàng trăm năm qua giải thích cho sự hình thành cũng như tên gọi của ngọn núi Phụng Hoàng này.
Dân gian lưu truyền rằng, xưa kia các nàng tiên nữ thường hạ phàm xuống vùng Thất Sơn những đêm trăng sáng để dạo chơi và vui đùa. Một hôm các nàng chơi trò ném đá và sáng hôm sau nơi ấy xuất hiện một ngọn núi đá chồng chất lên nhau hình thành nên Phụng Hoàng sơn.
Cũng có truyền thuyết kể rằng, ngọn núi có hình dáng giống như cái tô lật úp nên mới gọi là núi Tô. Một giả thuyết khác lại cho rằng, núi này xưa kia là nơi có rất nhiều loài chim đẹp về trú ngụ, trong đó có chim phụng hoàng, một trong những loài linh điểu trong truyền thuyết và hình dáng núi giống như con chim phụng hoàng khổng lồ sải cánh giữa đồng bằng nên gọi là Phụng Hoàng sơnTruyền thuyết nào cũng có cái lý của nó, nhưng tựu chung vẫn muốn giải thích địa danh ngọn núi độc đáo giữa đồng bằng này.
Phụng Hoàng sơn nhìn từ xa
Phụng Hoàng sơn khoác trên mình vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của núi rừng và chứa đựng biết bao sự tích chém rắn hổ mây, thu phục mãnh thú ly kỳ ở vùng Thất Sơn kỳ bí của người xưa thời mở cõi.
Ông Nguyễn Văn Mọng (cư dân trên Phụng Hoàng sơn) cho biết, trên núi này mỗi địa điểm đều có những huyền thoại riêng. Điển hình như, một tảng đá có hình dáng giống chiếc thuyền lớn, dân gian cho rằng khi đồng bằng chưa bồi tụ, Phụng Hoàng sơn là hòn đảo giữa biển, có một chiếc thuyền gặp nạn ở đây rồi hóa thành đá gọi là Mũi Tàu. Hay, điện Năm Căn là một ngôi điện nhỏ nằm khuất mình dưới những vồ đá to và những bóng cây cổ thụ thâm u, cao vút, người xưa kể lại chỗ này là nơi nghỉ chân của các “chúa tể sơn lâm” vùng Thất Sơn. Hoặc cách đó không xa là Sân Tiên, nơi đây còn lưu giữ dấu bàn chân khổng lồ in hằn trên đá còn cả từng ngón chân, gót chân hoàn chỉnh của bàn chân phải, còn núi Cấm còn lưu giữ dấu chân của bàn chân trái được dân gian truyền tụng là của những Tiên ông ở vùng Bảy Núi dạo chơi để lại.
Bên cạnh những huyền thoại kỳ bí thời mở cõi chốn non cao, những hang động, lò ảng, đường ô, con suối, tảng đá... đến những ngôi chùa, như: Vân Long, Bồng Lai đều là nơi ghi dấu biết bao kỳ tích chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân Bảy Núi, gắn kết giữa Đảng và nhân dân trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc.
Ngoài những truyền thuyết dân gian huyền ảo, lịch sử chiến đấu hào hùng, thiên nhiên còn ưu đãi cho Phụng Hoàng sơn những cảnh sắc tuyệt diệu khó nơi nào có được. Đứng từ 2 tảng đá phẳng rộng lớn nhô ra giữa lưng chừng núi, người dân thường gọi là vồ Hội lớn và vồ Hội nhỏ có thể phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh cánh đồng lúa Tà Pạ tuyệt đẹp như bức tranh hoàn hảo của thiên nhiên. Nhìn xuống ngay dưới chân Phụng Hoàng sơn là hồ Soài So, nước trong veo, mặt hồ phẳng lặng, gợn sóng lăn tăn tạo thành cảnh “sơn thủy” tĩnh lặng giữa núi rừng.
Những người lớn tuổi kể rằng, hồ Soài So được xây dựng và tích trữ từ nguồn nước của suối Vàng trên đỉnh núi. Gọi là suối vàng vì trong dòng suối có những hạt cát vàng li ti lấp lánh. Nơi đây nước chảy quanh năm, lưu lượng vô cùng dồi dào, phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phòng, chống cháy rừng vào mùa khô. Vì vậy hiện nay, Phụng Hoàng sơn dần dần thu hút đông đảo khách du lịch và những bạn trẻ yêu thích thiên nhiên đến tham quan, khám phá và chụp ảnh.
Vừa qua ở khu vực Sân Tiên, huyện Tri Tôn đã xây dựng biểu tượng chữ “TRI TÔN” tuyệt đẹp, trở thành điểm “check-in” gây sốt trong suốt thời gian qua của các bạn trẻ. Mỗi chữ cái cao 7m, nằm trên bệ đỡ cao từ 1,5-2m, có lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, hàng rào xung quanh để bảo vệ. Nhìn từ chân Phụng Hoàng sơn, có thể thấy và chụp hình rõ chữ “TRI TÔN” xem như lời chào mời của huyện đối với du khách.
TRỌNG TÍN