
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (thứ 2, trái) tại cuộc đàm phán ở Riyadh, Saudi Arabia ngày 18/2/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Áo sẵn sàng tổ chức đàm phán hòa bình với Ukraine, Đại sứ Áo tại Ukraine Arad Benko cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn RBC-Ukraine vào ngày 21/2.
Trong lúc các cuộc đàm phán hòa bình do Mỹ dẫn đầu nhằm ngăn chặn cuộc xung đột tại Ukraine đang được mở đường, nhiều quốc gia đã tự đề cử mình là nước chủ nhà tiềm năng cho các cuộc đàm phán.
Đại sứ Benko cho biết: "Thủ tướng Áo Karl Nehammer nhấn mạnh rằng với tư cách là thủ đô của một quốc gia trung lập, Vienna luôn sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai".
Áo nổi tiếng trong lịch sử là nơi đăng cai tổ chức các cuộc đàm phán giữa các bên đối lập. Ông Benko cho hay đất nước ông đã tổ chức các cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo của Mỹ và Liên Xô vào thời kỳ cao điểm của Chiến tranh Lạnh.
"Là một quốc gia trung lập, Áo đã cung cấp các dịch vụ tốt của mình với tư cách một quốc gia chủ nhà cho các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan. Điều quan trọng cần chỉ ra là Áo cũng là trụ sở của 52 tổ chức quốc tế bao gồm 18 tổ chức của Liên hợp quốc", Đại sứ Benko nhấn mạnh.
Áo - một quốc gia trung lập vĩnh viễn theo hiến pháp của mình - là nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan quốc tế, bao gồm Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Đại sứ Benko nói thêm rằng Ukraine và EU phải tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình cùng với Nga và Mỹ, đồng thời lặp lại quan điểm ở các thủ đô châu Âu rằng Mỹ không nên loại trừ châu Âu và Ukraine khỏi các cuộc đàm phán hòa bình.
Châu Âu phải tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng "không chỉ vì chúng tôi là những nhà tài trợ lớn nhất mà còn vì Ukraine là một quốc gia châu Âu đang đấu tranh cho các giá trị và tự do của chúng tôi", ông Benko nói.
Thủ tướng Áo Nehammer trước đây đã đề xuất Vienna là địa điểm diễn ra các cuộc đàm phán giữa Kiev và Moskva vào tháng 9/2024. Sau đó vào tháng 12/2024, Thủ tướng Áo đã nhắc lại lời đề nghị này trong cuộc gặp với Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Ông Nehammer cũng trở thành nhà lãnh đạo EU đầu tiên đến thăm Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022. Nehammer đến thăm Moskva vào tháng 4/2022, tuyên bố rằng nhiệm vụ của ông là mở "hành lang nhân đạo" như một bước tiến tới chấm dứt chiến tranh.
Các quốc gia khác cũng đã tình nguyện tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai cho Ukraine bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Saudi Arabia.
Hôm 18/2 vừa qua, các quan chức Mỹ và Nga đã gặp nhau tại thủ đô Ryiadh của Saudi Arabia để đàm phán sơ bộ, mở đường cho việc xóa băng quan hệ hai nước, thúc đẩy ngừng bắn và hòa bình cho Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc gặp này không có sự tham gia của Ukraine hay bất kỳ đại diện châu Âu nào.
Trước sự lo ngại của Kiev, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết, mục tiêu của Washington là một thỏa thuận có thể chấp nhận được đối với tất cả những bên liên quan, gồm cả Ukraine và các đối tác châu Âu, tất nhiên là cả phía Nga. Ông Rubio khẳng định không bên nào “bị gạt ra ngoài lề” và sẽ có thời điểm EU cần tham gia tiến trình vì họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt liên quan đến xung đột.
Tổng thống Nga Putin hôm 19/2 cũng nhấn mạnh, không ai loại Kiev khỏi quá trình đàm phán. Cả Moskva và Washington đều mong đợi Ukraine tham gia vào quá trình này. Ông Putin cho rằng quyết định tham gia đàm phán hay không phần lớn phụ thuộc vào Ukraine và EU.
Theo TTXVN