Apple đang thử nghiệm quy trình sản xuất in 3D trên dòng sản phẩm Apple Watch. Ảnh minh họa: Bloomberg
Với kỹ thuật trên, nhà sản xuất sẽ không cần cắt bỏ các tấm kim loại lớn thành hình dạng của sản phẩm. Điều đó sẽ rút ngắn thời gian chế tạo thiết bị, đồng thời giúp ích cho môi trường bằng cách sử dụng ít vật liệu hơn.
Cách tiếp cận mới này có khả năng hợp lý hóa chuỗi cung ứng của Apple cũng như khởi đầu cho một sự thay đổi rộng lớn hơn. Các nguồn tin yêu cầu giấu tên cho biết nếu thử nghiệm in 3D linh kiện cho Apple Watch diễn ra đúng kế hoạch, “gã khổng lồ” công nghệ này sẽ tìm cách mở rộng quy trình trên đối với nhiều sản phẩm hơn trong vài năm tới. Người phát ngôn của Apple đã từ chối yêu cầu bình luận về thông tin trên.
Kỹ thuật mới sử dụng một loại máy in 3D phun chất kết dính để tạo ra hình dạng tổng quát của thiết bị giống kích thước thực tế. Bản in được làm từ chất bột, sau đó trải qua một quá trình gọi là thiêu kết.
Công đoạn này dùng nhiệt và áp suất để ép vật liệu thành thứ giống như thép truyền thống. Sau đó, các chi tiết sẽ được phay ra giống quy trình cũ.
Sự xuất hiện của thông tin trên đã thúc đẩy giá cổ phiếu của các công ty in 3D như 3D Systems và Stratasys. Cổ phiếu của 3D Systems tăng tới 10%, trong khi Stratasys tăng 6,9%.
Được biết, Apple và các nhà cung cấp đã âm thầm phát triển kỹ thuật này trong ít nhất ba năm. Nhiều tháng qua, họ đã thử nghiệm quy trình đối với sản phẩm vỏ thép dành cho Apple Watch Series 9, dự kiến ra mắt vào ngày 12/9 tới. Theo Bloomberg, dòng đồng hồ thông minh năm nay sẽ được tăng hiệu suất và sở hữu màu sắc vỏ mới, song thiết kế bên ngoài hầu như không thay đổi.
Apple cũng có kế hoạch áp dụng quy trình này cho đồng hồ Ultra titan, nhưng quá trình chuyển đổi sẽ được triển khai vào năm sau.
Sử dụng máy in 3D để chế tạo khung sẽ mang lại lợi ích cho môi trường, do chỉ sử dụng lượng kim loại vừa đủ.
Trong một động thái khác hướng tới sự bền vững, Apple đang có kế hoạch sử dụng vật liệu mới để thay thế chất da làm ốp điện thoại iPhone mới và các phụ kiện khác.
Thử nghiệm in 3D đang được chỉ đạo bởi nhóm thiết kế sản xuất của Apple, dưới sự giám sát của Phó chủ tịch Rob York. Việc chuyển sang sử dụng vỏ đồng hồ in 3D là một nỗ lực tốn kém đối với Apple và các nhà cung cấp của hãng, nhưng nó sẽ chứng minh được khả năng đơn giản hóa quá trình sản xuất và có thể giúp giảm chi phí theo thời gian. Hiện tại, chi phí sản xuất vỏ đồng hồ theo quy trình mới là tương đương với phương pháp cũ.
Hầu hết vỏ Apple Watch đều bằng nhôm, không phải thép không gỉ. Công ty này vẫn chưa đạt được bước tiến nào trong việc sản xuất hàng loạt vỏ máy in 3D bằng vật liệu đó.
Sáng kiến này là một trong những trường hợp đầu tiên sử dụng phương pháp phun chất kết dính để sản xuất hàng loạt một bộ phận kim loại có khối lượng lớn.
Trước đó, Apple thông báo sẽ tổ chức buổi lễ ra mắt sản phẩm mới tại trụ sở chính ở Cupertino, California, vào ngày 12/9. Sự kiện này sẽ được phát trực tuyến trên trang web của hãng. Điện thoại iPhone 15, đồng hồ thông minh Apple Watch và tai nghe AirPods sẽ nằm trong số những sản phẩm mới nhất được giới thiệu tại sự kiện.
Theo TTXVN