Australia đang chế tạo một tàu thám hiểm Mặt Trăng. Ảnh minh hoạ: ABC
Dựa trên thỏa thuận, các doanh nghiệp và nhà nghiên cứu của Australia sẽ giúp phát triển phương tiện được sử dụng cho sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng trong tương lai. Tàu thám hiểm bán tự động của Australia sẽ có nhiệm vụ thu thập mẫu đất trên Mặt Trăng, được cho là có chứa oxy như quan sát của NASA trước đó, để nghiên cứu. Các nhà khoa học chỉ ra rằng việc tìm kiếm một nguồn oxy trên Mặt Trăng là rất quan trọng để thiết lập sự hiện diện lâu dài của con người và hỗ trợ các sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa trong tương lai.
Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Australia, Enrico Palermo, nhận định sứ mệnh thám hiểm vũ trụ của Australia sẽ giúp nước này thể hiện kỹ năng “tuyệt vời” trong các hoạt động điều khiển từ xa, dựa trên chuyên môn vốn có trong lĩnh vực khai thác. Theo ông Palermo, Australia đang sở hữu những công nghệ robot và hệ thống điều khiển cho các hoạt động từ xa tiên tiến nhất. Đây sẽ là cơ sở trọng tâm để thiết lập sự hiện diện lâu dài của con người trên Mặt Trăng và sau đó tiến tới mục tiêu khám phá sao Hỏa. Bên cạnh cống hiến về khoa học, việc tham gia vào sứ mệnh Mặt Trăng còn giúp Australia phát triển lĩnh vực công nghệ vũ trụ, tạo nguồn lực và gia tăng việc làm trong tương lai.
Theo thỏa thuận, NASA có thể sẽ đưa tàu thám hiểm lên Mặt Trăng sớm nhất vào năm 2026, nếu kịp hoàn thành quy trình chế tạo đáp ứng một loạt các điều kiện trong quá trình phát triển.
Giám đốc NASA Bill Nelson cho biết thỏa thuận giữa hai cơ quan vũ trụ được xây dựng dựa trên cơ sở Mỹ và Australia đã có sự hợp tác lâu dài hơn nửa thế kỷ trong lĩnh vực khám phá không gian. Tàu thám hiểm Mặt Trăng là một phần thuộc chương trình Artemis, một nỗ lực của NASA để đưa con người lên Mặt Trăng và thiết lập căn cứ trên bề mặt của hành tinh này nhằm khám phá không gian mới.
Trước đó, Chính phủ Australia đã công bố khoản kinh phí 50 triệu AUD (35 triệu USD) dành cho sáng kiến từ Mặt Trăng đến Sao Hỏa, để giúp đưa tàu thám hiểm lên hai hành tinh này. Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết sáng kiến là cơ hội để Australia thành công trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ toàn cầu.
Canberra đặt mục tiêu, vào năm 2030, sẽ tăng gấp ba lần quy mô của ngành công nghệ vũ trụ nội địa, với kỳ vọng ngành này đem lại 12 tỷ AUD cho nền kinh tế và tạo ra khoảng 20.000 việc làm có kỹ năng cao. Bộ trưởng Khoa học Melissa Price tin tưởng thỏa thuận với NASA sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho lĩnh vực công nghệ vũ trụ của Australia.
Theo DIỆU LINH (Báo Tin Tức)