Ảnh: Bà Châu Thị Hết
Bà Châu Thị Hết (67 tuổi, ngụ đường Võ Văn Hoài, khóm Bình Khánh 5) tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến Báo An Giang phản ánh vụ tranh chấp trên. Theo bà Hết, sau 2 lần hòa giải không thành, vụ việc lại kéo dài, chưa biết lúc nào chấm dứt. Ông, bà nội của bà (Châu Văn Tòng, Võ Thị Mẹt) có 6 người con, trong đó có 3 trai: Châu Nghĩa Tài, Châu Trước Quỳnh (cha bà) và Châu Lai. Sinh thời, vợ, chồng ông Tòng tạo dựng được mảnh đất khoảng 1.300m2, còn giữ được giấy tờ từ thời Pháp để chứng minh nguồn gốc. Sau đó, họ để lại số đất trên cho 3 con trai quản lý, đặc biệt giao cho ông Châu Trước Quỳnh làm phủ thờ. Năm 1960, ông Quỳnh nâng cao phần đất này làm nơi chôn cất cho người trong tộc họ đã qua đời. Khoảng năm 1980, ông Châu Ngọc Ân (con ông Châu Lai) ở Sài Gòn về, xin cất nhà ở. Sau ngày ông Quỳnh chết, ông Ân tự kê khai làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), diện tích 1.325m2. Điều đáng nói, ông Ân lại sở hữu đến 2 giấy chứng nhận QSDĐ do UBND TP. Long Xuyên cấp. Đó là giấy chứng nhận QSDĐ (H.00550mA) ngày 27-2-2007 và 1 giấy đã cấp vào năm 2005.
“Số đất này là di sản của ông, bà nội tôi để lại cho các con, nhưng ông Ân lại hợp thức hóa, đem bán và chia cho các con, chỉ không đụng tới phần đất chôn cất. Như vậy, di sản của ông, bà nội tôi chỉ do 1 mình ông Ân thụ hưởng. Đây là việc làm phi lý, trái quy định, trái đạo đức. Gia đình tôi nhiều năm khiếu nại nhưng chỉ tạm ổn, rồi sau đó trở lại như cũ. Cụ thể, cuộc hòa giải ngày 7-4-2006, ông Ân thống nhất cho chúng tôi làm hàng rào ngang 3,1m (trước đây là 4m) giữ phần đất mồ mả. Sau đó, khu đất 155m2 này bị các con ông Ân di dời cột mốc. Đến năm 2008, ông Ân chết, sự việc phát sinh rắc rối. Mới đây, trong 2 lần hòa giải (ngày 4-10 và ngày 9-10-2018) do UBND phường Bình Khánh chủ trì, lại hòa giải không thành. Tôi yêu cầu cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận QSDĐ 155m2 đất (trong số 1.325m2 đất cấp cho ông Ân) mà tôi làm hàng rào đã 12 năm. Đồng thời, đề nghị xem xét, giải quyết việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ trái phép cho ông Ân, vì không có điềm chỉ của những người thừa kế, các hộ tứ cận” - bà Hết khẳng định.
Ông Châu Ngọc Ân có 11 người con, trong đó 2 người đã chết. Bà Châu Thị Ngọc Bích, Châu Ngọc Nữ, Châu Ngọc Huyền (con gái ông Ân) phản bác: “Khu đất trên là của ông, bà nội tôi để lại, giao cha tôi quản lý, sử dụng cất nhà và xây dựng phủ thờ tộc họ. Trên đất này có phần mộ ông bà, cha mẹ, người trong tộc họ. Đất này đã được UBND TP. Long Xuyên cấp QSDĐ cho cha tôi. Khi ông chết vào năm 2008, không để lại di chúc nên 9 anh, chị em chúng tôi thừa hưởng di sản này. Bà Châu Thị Hết nói phần đất là của mình thì cung cấp giấy tờ chứng minh để được xem xét, giải quyết. Chúng tôi phản đối việc bà Hết đòi sở phần đất khu chôn cất khoảng 155m2 của gia đình tôi”.
UBND phường Bình Khánh cho biết: “Vụ tranh chấp này diễn ra khá lâu, địa phương đã hòa giải nhiều lần.Tháng 10-2018, chúng tôi mời 2 bên hòa giải, tổ chức liên tiếp 2 lần nhưng hòa giải không thành. Lý do, hộ ông Châu Ngọc Ân không cử đại diện của những người hàng thừa kế và thừa kế thế vị theo quy định. Mặt khác, khi mời đến hòa giải, những người này có đến nhưng chỉ 3 hoặc 4 người. Theo quy định, Hội đồng hòa giải phường không thể tiến hành hòa giải. Chúng tôi thông báo kết quả cuộc hòa giải tranh chấp đất nói trên là hòa giải không thành. Theo quy định, gia đình bà Châu Thị Hết được quyền khởi kiện ra tòa án để xem xét, giải quyết vụ việc”.
Ông Phan Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh An Giang, nhận định: “Theo quy định của pháp luật, việc thực hiện cấp giấy chứng nhận QSDĐ phải tuân thủ trình tự rõ ràng, chặt chẽ. Cụ thể, UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tọa lạc kiểm tra, xác nhận và công bố công khai việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ ở nơi công cộng; cơ quan chức năng phải xác minh, thẩm tra lại hồ sơ đăng ký và hiện trạng khu đất. Trong quá trình thực hiện, những người liên quan phải điềm chỉ, các hộ giáp ranh phải ký vào hồ sơ vụ việc. Việc thực hiện trái quy định sẽ bị thu hồi, bị hủy bỏ vụ việc theo quy định của pháp luật”.
Bài, ảnh: N.R