Hiệu ứng cực quang gây ra bởi bão Mặt Trời tại Ohio, Mỹ ngày 10/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Bão Mặt Trời xảy ra từ ngày 8/5 vừa qua, đi kèm với các trận bão địa từ được quan sát trên khắp thế giới. Kể từ khoảng ngày 11/5, mạng xã hội lan tỏa hàng loạt hình ảnh về những đợt phun trào nhật hoa ở các quốc gia phía Bắc Bán cầu, trong đó dễ quan sát hơn cả là ở vùng Bắc cực, gồm đảo Hokkaido, tỉnh Ishikawa ở miền Trung Nhật Bản và những địa điểm khác của quốc gia Đông Bắc Á này. Anh, các khu vực phía Nam của Mỹ và các khu vực ở châu Âu cũng ghi nhận phun trào nhật hoa.
Việc các cơn bão Mặt Trời ngày càng gia tăng về tần suất và cường độ cho thấy “quả cầu lửa” đang gia tăng hoạt động và dự báo có thể đạt đỉnh hoạt động chu kỳ của Mặt Trời vào năm 2025. Trong khi đó, các nhà khoa học lo ngại các cơn bão Mặt Trời quy mô lớn có thể làm hư hại vệ tinh, gây gián đoạn hệ thống định vị toàn cầu, ảnh hưởng đến các hoạt động của con người trên Trái Đất, chẳng hạn như mất điện và gián đoạn đường dây liên lạc vơi tàu thuyền và máy bay. Cơn bão địa từ hồi tháng 2/2022 đã phá hủy 40 vệ tinh trong tổng số 49 vệ tinh do công ty SpaceX của Mỹ phóng lên quỹ đạo Trái Đất trước thời điểm đó.
Theo ông Takuya Tsugawa - Giám đốc Viện Công nghệ thông tin và truyền thông quốc gia của Nhật Bản, bão Mặt Trời xảy ra ngày càng nhiều trong vài năm trở lại đây.
Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản có kế hoạch triển khai một sáng kiến vào năm nay để huy động nỗ lực ứng phó tổng lực, đồng thời khuyến cáo doanh nghiệp và người dân về những nguy cơ gây hư hại đối với hệ thống phát sóng, truyền thông và vệ tinh do bão Mặt Trời có thể xảy ra với tần suất lớn hơn trong tương lai.
Theo TTXVN