“Ngoại giao Cây tre” giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. (Ảnh: T.L)
Suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, nhất là hơn 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quá trình kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa của nhân loại, kiên định vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Việt Nam hình thành đường lối đối ngoại, ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam". Đó là "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thắm đượm tâm hồn, cốt cách, khí phách của dân tộc Việt Nam".
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, liên tục, đồng bộ, hiệu quả, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế đất nước.
Lãnh đạo chủ chốt thực hiện 45 chuyến thăm tới các nước, đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống; đón gần 50 đoàn lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế tới thăm… tạo nên bước phát triển mới về chất trong cục diện đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta. Cùng với đó, quan hệ với nhiều đối tác được nâng lên tầm cao mới, tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác ngày càng mở rộng, thực chất và hiệu quả hơn. Trên bình diện đa phương, vị thế và uy tín của Việt Nam được nâng cao.
Những thành tựu đối ngoại đóng góp vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử là “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”; là kết quả của đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhất là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những kết quả đó cũng khẳng định nền đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, hòa hiếu, nhân văn nhưng quật cường của dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị ngành ngoại giao tiếp tục bám sát đường lối đối ngoại của Đại hội XIII, nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả chương trình, kế hoạch. Ngành ngoại giao cần thường xuyên theo dõi sát diễn biến, dự báo đúng tình hình, đánh giá kỹ tác động đến Việt Nam, tuyệt đối không chủ quan, không để bị động, bất ngờ; luôn tỉnh táo nắm bắt thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại...
Thế nhưng, hăng hái tham gia bình luận xuyên tạc nhiều khía cạnh khác nhau, một số cơ quan truyền thông nước ngoài (BBC, VOA, RFA, RFI…) chống phá, xuyên tạc về “đường lối ngoại giao cây tre” của Đảng, Nhà nước ta, như: Xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta; cho rằng đường lối “ngoại giao cây tre” là “ba phải”, “không có chính kiến, thiếu lập trường nhất quán”, “đu dây”, “bắt cá hai tay”, “không phù hợp” với thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế…
Họ lập luận rằng, thế giới hiện nay đã hoàn toàn khác xưa, là thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0; các quốc gia, dân tộc có mối quan hệ ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ; Đảng ta với “đường lối ngoại giao cây tre” vẫn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ là “bảo thủ”, “trì trệ”, “tự mình cô lập mình”, là “tự tách ra khỏi dòng chảy” của lịch sử… Đáng chú ý, các thế lực thù địch, phản động thường tìm cách "cường điệu hóa" khi đặt Việt Nam trong mối quan hệ với những cường quốc, từ đó “khuyên” Việt Nam nên chọn theo nước này, chống nước kia và ngược lại.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ rõ đường lối đối ngoại của Việt Nam là “sẵn sàng làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Kế thừa, vận dụng sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện cụ thể của đất nước, Đảng ta luôn “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại”.
Với những chính sách ngoại giao đúng đắn, giàu nhân văn, Việt Nam tạo được lòng tin đối với các tổ chức, các nước trên thế giới. mối quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện tiếp tục được mở rộng. Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... Tính đến tháng 9/2023, Việt Nam có quan hệ ngoại giao chính thức với 193 quốc gia (gồm 190/193 nước thành viên Liên Hiệp Quốc). Đảng ta thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân, phi chính phủ nước ngoài. Việt Nam cũng là thành viên tích cực, có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng…
Những thành tựu trong đường lối đối ngoại đúng đắn càng nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là minh chứng sinh động để bác bỏ luận điệu xuyên tạc về đường lối đối ngoại của Việt Nam mà các thế lực thù địch rắp tâm chống phá.
H.N