Khát vọng, quyết tâm đổi mới vươn lên
An Giang thuộc vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, có tài nguyên nước, đất phong phú, cùng với kinh nghiệm canh tác, khả năng ứng dụng khoa học - công nghệ và sự nhạy bén của thị trường của nông dân. Từ đó, tạo ra thế mạnh về nông nghiệp, với 2 sản phẩm chủ lực mang tầm quốc gia là lúa và cá tra… Đây cũng chính là lợi thế so sánh để An Giang trở thành trung tâm nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Bên cạnh đó, An Giang có nhiều di tích văn hóa, lịch sử, cùng với cảnh quan đa dạng, phong phú, lại có mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chất lượng, là tiền đề để tỉnh trở thành một trong những trung tâm văn hóa, thể thao và du lịch của vùng.
An Giang nằm trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL
Trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “An Giang có nhiều kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp và có vị trí chiến lược quan trọng ở đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ về dân số, đất đai rộng lớn, mà là vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, ngày càng nhận rõ hướng đi và đang có khát vọng, quyết tâm đổi mới vươn lên”.
Thực tế qua 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2015-2020), tình hình kinh tế - xã hội An Giang có bước phát triển khá. Cụ thể, GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2017 đạt 4,79%; cơ cấu kinh tế khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 30,9% tỷ trọng; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 14,21%; khu vực dịch vụ chiếm 53,3%. Thu ngân sách 2 năm đạt 10.833 tỷ đồng; xuất khẩu đạt 1,66 tỷ USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 43.305 tỷ đồng; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 76%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,24%. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, An Giang đã bắt tay thực hiện quyết liệt, thực chất, không chạy theo thành tích, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Trong 2 năm 2016-2017, An Giang có 33/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 55% chỉ tiêu Nghị quyết), dự kiến đến cuối năm 2018, tỉnh có thêm ít nhất 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đời sống người dân nông thôn ngày càng khởi sắc
Theo báo cáo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, 9 tháng đầu năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 6,15% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 9,69%; khu vực dịch vụ tăng 8,02%. Đặc biệt, An Giang đã đón 8 triệu lượt khách (tăng 14% so cùng kỳ năm 2017 và đạt 107% kế hoạch); doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 4.000 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ, đạt 93% kế hoạch).
Tình hình xuất khẩu hàng hóa tiếp tục khởi sắc, sôi động và tăng khá so cùng kỳ năm trước, ước đạt hơn 600 triệu USD (tương đương 71,4% kế hoạch năm và tăng 3,29% so cùng kỳ năm trước). Trong đó, 2 mặt hàng chủ lực của tỉnh là gạo và thủy sản đều có bước tăng sản lượng và giá trị; các mặt hàng khác, như: rau quả, hàng dệt may, túi xách... cũng tăng trưởng khá về giá trị. Ước tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn 9 tháng đầu năm là 4.702,9 tỷ đồng (đạt 82,51% dự toán, tăng 3,19% so với cùng kỳ).
Nhìn chung, 9 tháng đầu năm 2018, mặc dù kinh tế - xã hội tỉnh An Giang phải đối mặt nhiều thách thức nhưng tình hình kinh tế của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi và ổn định. Môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm cải thiện; cải cách hành chính được đẩy mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch, đạt nhiều kết quả; trật tự an toàn xã hội và quốc phòng- an ninh tiếp tục được giữ vững.
Củng cố niềm tin nhân dân
Để hiện thức hóa khát vọng của nhân dân trở thành động lực và nguồn lực cho sự phát triển của tỉnh. Đồng thời, khai thác tốt tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Thời gian qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, các cấp ủy trực thuộc, Ban cán sự Đảng, Đảng Đoàn… xây dựng tổ chức bộ máy, quy định chức năng, nhiệm vụ đúng theo các quy định của Trung ương. Đến nay, các chủ trương của Trung ương về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đều được chấp hành nghiêm túc, đồng thời có sự nghiên cứu, vận dụng sáng tạo để thành lập các mô hình, tổ chức mang tính đặc thù của tỉnh (Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới; Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh, Ban Quản lý Khu di tích Óc Eo…).
Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy từng bước được sắp xếp, kiện toàn phù hợp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi tổ chức; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên. Nhờ đó, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể… có nhiều chuyển biến tích cực; tham mưu ban hành nhiều nghị quyết quan trọng mang tầm chiến lược, xây dựng nhiều đề án lớn sát thực tế. Hoạt động của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều đổi mới, thực chất hơn, đóng góp đáng kể vào việc xây dựng khối đại đoàn kết, phát huy sức mạnh dân chủ và tạo sự đồng thuận xã hội. Từ đó, huy động được nhiều nguồn lực, góp phần tích cực đối với sự phát triển của tỉnh và chăm lo công tác an sinh xã hội.
Thực hiện Nghị quyết số 17, ngày 1-8-2007 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X), Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 14, ngày 10-10-2007 về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước trên địa bàn tỉnh”. Trọng tâm là đưa nội dung cải cách hành chính vào các nghị quyết, chương trình, kế hoạch kinh tế - xã hội hàng năm. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực và đạt được những thành quả thiết thực.
Trong 2 năm 2016-2017, An Giang đã thu hút khoảng 45 dự án đầu tư vào nông nghiệp, với tổng nguồn vốn đăng ký trên 7.248 tỷ đồng (so với năm 2015, tăng 30 dự án, tổng nguồn vốn tăng gần 6.000 tỷ đồng). 9 tháng đầu năm 2018, tỉnh đã thu hút 66 dự án, tổng vốn đăng ký trên 22.520 tỷ đồng (7 dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động, 35 dự án đang triển khai). Cùng thời điểm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 521 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 3.892 tỷ đồng (tăng gần 32% về vốn đăng ký).
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 100% cơ quan hành chính Nhà nước từ tỉnh đến xã có “Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả” tập trung, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Ngoài ra, tỉnh đã thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh An Giang thực hiện vai trò tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, tạo sự minh bạch và thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp. Kỷ cương, kỷ luật hành chính trong các cơ quan Nhà nước được tăng cường; trách nhiệm người đứng đầu được đề cao; tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức từng bước nâng cao; thực hiện có hiệu quả các quy định của Chính phủ trong thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế, kinh phí. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý Nhà nước góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của “Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả”, tạo bước chuyển biến tích cực trong mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với người dân, doanh nghiệp theo hướng phục vụ ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.
Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả phục vụ tận tình, chuyên nghiệp, hiệu quả
Với những giải pháp cụ thể, cách làm thiết thực đã góp phần cải thiện hình ảnh của tỉnh trong mắt nhà đầu tư, doanh nghiệp. Theo đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 của An Giang đã tăng 6 bậc so năm 2016, đứng thứ 32/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2017 tăng 16 bậc so năm 2016 và đứng 18/63 tỉnh, thành phố.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân, những kết quả phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị mà An Giang đã đạt được thời gian qua là sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ thực hiện mục tiêu nâng tầm năng lực lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển của tỉnh nhà, cũng như trong việc chăm lo phát triển đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Những thành tựu đó đã phần nào khẳng định năng lực lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đã từng bước đổi mới, nâng tầm, mang tính chiến lược, hành động hiệu quả và quyết liệt, chỉ đạo và tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả; xây dựng Nhà nước kiến tạo, chính quyền phục vụ nhân dân. Từ đó, góp phần củng cố niềm tin sắt son của nhân dân đối với Đảng.
THU THẢO
Bài 4: Dễ làm trước, khó làm sau, đảm bảo đúng lộ trình