Thực tiễn đổi mới, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu quả ở An Giang

Bài 4: Dễ làm trước, khó làm sau, đảm bảo đúng lộ trình

23/10/2018 - 07:43

 - Để tập trung và đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trên các lĩnh vực hoạt động của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, An Giang đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật và các quy định của Nhà nước trong xây dựng, tổ chức thực hiện Đề án và Chương trình hành động số 19 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (khóa XII). Lấy hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, mở rộng dân chủ làm thước đo kết quả việc triển khai, thực hiện. Với biện pháp, bước đi, cách làm phù hợp, đã tạo sự đồng thuận, phát huy tối đa sức sáng tạo, trí tuệ của cả hệ thống chính trị.

Hướng đi rõ, phải hành động quyết liệt hơn

Trong chuyến thăm và làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh An giang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Thế phát triển đi lên, triển vọng thấy rõ, đội ngũ cán bộ cũng quyết tâm, vấn đề là làm thế nào để có hiệu quả, huy động được sức dân, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra. Để làm được điều này thì hệ thống chính trị phải có quyết tâm cao hơn nữa, cán bộ phải có đủ trình độ năng lực, bản lĩnh đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, phải hành động quyết liệt hơn”.

“An Giang cần tiếp tục có nhiều tìm tòi, sáng kiến, sáng tạo hơn nữa. Tùy mỗi cương vị công tác, mỗi đồng chí cần có những sáng kiến để thực hiện có hiệu quả cao hơn các nghị quyết của Đảng, đồng thời phải có biện pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận đã có. An Giang đã nói là làm, đã đi là đến, đã bàn là thông, đã quyết là phải một lòng; quê hương vẫy gọi, Đảng mong, dân chờ. Muốn vậy, trước hết phải có cán bộ, đảng viên, công chức tốt, phải quan tâm làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý.

Từ hoạt động thực tiễn, tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng, hoạt động của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội còn có mặt hạn chế về xây dựng chiến lược quy hoạch, kế hoạch, tổ chức thực hiện, đề xuất cơ chế, chính sách… Chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của địa phương. Một số nơi còn trông chờ, ỷ lại; chưa chủ động, quyết liệt trong triển khai và giải quyết những vấn đề mới, phức tạp, bức xúc của nhân dân ở cơ sở.

Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chức năng còn chồng chéo, kém hiệu quả. Ngân sách chi cho hoạt động của bộ máy chiếm tỷ trọng lớn, ảnh hưởng đến nguồn lực chi đầu tư phát triển. Chi thường xuyên (con người, hoạt động bộ máy, mua sắm sửa chữa) chiếm 42% chi ngân sách địa phương và bằng 159,5% chi đầu tư.

Để tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo một số địa phương triển khai mô hình hợp nhất, nhất thể hóa một số tổ chức, chức danh ở cấp xã, cấp huyện, bước đầu mang lại kết quả tích cực, được cán bộ và nhân dân đồng tình, làm cơ sở để tập trung chỉ đạo nhân rộng ở nhiều địa phương khác.

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho ý kiến một số chủ trương cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII)

Đặc biệt, An Giang mạnh dạn thí điểm và đột phá trong đổi mới cách sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo hướng không nhất thiết ở cấp trên có tổ chức nào thì cấp dưới có tổ chức đó. Không cầu toàn nhưng tránh qua loa, chiếu lệ, không khả thi, thiếu dân chủ; làm thí điểm để thổng kết thực tiễn, không nóng vội, chủ quan, duy ý chí. Trong quá trình thực hiện, An Giang luôn nêu cao quyết tâm chính trị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo đẩy mạnh việc sắp xếp tổ chức bộ máy ở những địa phương, đơn vị có điều kiện theo hướng “dễ làm trước, khó làm sau”, không trông chờ đến khi Trung ương hoàn thiện các quy định, thể chế mới thực hiện.

Việc sắp xếp lại bộ máy bảo đảm nguyên tắc “4 giảm, 4 tăng”. “4 giảm”, gồm: giảm trung gian, đầu mối, biên chế và giảm chi thường xuyên từ ngân sách. “4 tăng”, gồm: tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo phân cấp, phân quyền; tăng cường phân cấp quản lý cán bộ và tăng chất lượng cung cấp dịch vụ phục vụ doanh nghiệp, nhân dân. Đối với các cơ quan sắp xếp theo Nghị quyết số 18, các cơ quan sau khi sắp xếp phải bao quát đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định; bảo đảm được tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Sắp xếp theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đảm bảo tinh gọn, hợp lý, không trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn...

Bộ máy tinh gọn “vừa hồng, vừa chuyên”

Để thực hiện hiệu quả việc tổ chức, sắp xếp bộ máy một số cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn hiệu quả, ngoài những mô hình đã thực hiện từ trước, Tỉnh ủy xác định những việc triển khai thực hiện ngay. Đó là thành lập Văn phòng chung của cấp ủy trên cơ sở giải thể văn phòng thuộc các Ban xây dựng Đảng tỉnh (Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, Ban Nội chính, Ban Dân vận) để sáp nhập về Văn phòng. Vì các ban này có chức năng, nhiệm vụ khá tương đồng. Do đó, việc sáp nhập 5 văn phòng trực thuộc các Ban xây dựng Đảng tỉnh vào Văn phòng Tỉnh ủy sẽ phù hợp, đảm bảo tinh gọn về tổ chức bộ máy, cán bộ.

Sau khi sáp nhập Văn phòng các Ban xây dựng Đảng vào Văn phòng Tỉnh ủy thì giữ nguyên bộ khung lãnh đạo, gồm: 1 Chánh Văn phòng và 3 Phó Chánh Văn phòng. Về cơ cấu tổ chức sẽ giảm được 3 đầu mối thuộc Văn phòng Tỉnh ủy; về biên chế sẽ giảm được 3 trưởng, 3 phó trưởng phòng và tương đương so với hiện nay. Quan trọng hơn là công tác tham mưu sẽ chuyên sâu, hiệu quả, tập trung, thống nhất, phục vụ tốt hơn yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh theo hướng chuyển giao cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ y, bác sĩ cho Bệnh viện Đa khoa An Giang và thành lập khoa nội A. Sau khi sắp xếp, số lượng trong tổng biên chế khối Đảng, đoàn thể của tỉnh giảm 21 người và biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước của khối chính quyền cũng không tăng do Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang là đơn vị bảo đảm chi thường xuyên. Mặt khác, giảm đầu mối, thủ tục hành chính trong việc tổ chức khám bệnh và điều trị ngoại trú; khi bệnh nhân không ổn định hoặc bệnh nặng thì đưa bệnh nhân điều trị ngay, không cần thủ tục chuyển tuyến; khám bệnh và điều trị riêng nhưng vẫn phối hợp khám chuyên khoa khi cần.

Lễ trao quyết định cán bộ

Từng cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện tiến hành rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy theo hướng giảm đầu mối bên trong gắn với tinh giản biên chế. Theo đó, khối Nhà nước đã sắp xếp các phòng, ban bên trong của sở, ngành tỉnh (147 phòng, 17 chi cục và tương đương) để giảm 29 phòng, 6 chi cục và tương đương. Hiện còn 118 phòng, 11 chi cục và tương đương. Số cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã dự tính sẽ giảm 5.043 người. Trong đó, giảm do thực hiện kiêm nhiệm, hợp nhất và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện là 507/4.153 người (12%); giảm do kiêm nhiệm đối với cán bộ, công chức cấp xã là 312/3.353 người (9%); giảm do kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã 1.560/2.983 người (52%) và khóm, ấp 2.664/7.061 người (38%). Nhờ tinh gọn bộ máy, giảm nhân sự nên kinh phí của tỉnh tiết kiệm được 134 tỷ đồng/năm.

Như vậy, trong 3 năm đầu (từ nay đến năm 2020), khi thực hiện lộ trình sắp xếp tinh gọn bộ máy, bố trí lại, từng bước giảm dần nhân sự (bao gồm cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn) thì phần kinh phí tiết kiệm sẽ dần hiện thực hóa (134 tỷ đồng), đủ để giải quyết chính sách cho số cán bộ đã giảm (khoảng 121 tỷ đồng). Từ năm 2020 trở đi, dự tính ngân sách sẽ tiết kiệm được hơn 130 tỷ đồng/năm. Đây là còn số không nhỏ để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành giải thể Phòng dân tộc huyện ở 7 địa phương (huyện An Phú, Châu Thành, Thoại Sơn, Tịnh Biên, Tri Tôn, TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu) và 11 Phòng Y tế cấp huyện. Đồng thời, chuyển chức năng quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo (thuộc Phòng Nội vụ) và y tế về văn phòng HĐND và UBND cấp huyện. Nhờ đó, sẽ giảm 18 phòng thuộc UBND cấp huyện (từ 139 phòng còn 121 phòng).

Khối Đảng, đoàn thể tỉnh cũng sắp xếp lại bộ máy. Điển hình, Ban Dân vận Tỉnh ủy giảm từ 4 phòng và tương đương, còn 3 phòng và tương đương; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giảm từ 7 phòng ban chuyên môn còn 4 phòng; Tỉnh đoàn giảm từ 6 phòng xuống 4 phòng và sắp xếp lại bộ máy Nhà Thiếu nhi (trực thuộc Tỉnh Đoàn) từ 4 phòng xuống còn 2 phòng ban; Hội Nông dân tỉnh giảm 2 phòng ba và 1 đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Trong năm 2019, tỉnh dự kiến tiến hành hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Sở Nội vụ, Ban Tổ chức cấp ủy cấp huyện với Phòng Nội vụ thành Ban Tổ chức - Nội vụ; hợp nhất Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với Thanh tra tỉnh, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy cấp huyện với Thanh tra huyện thành Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra; hợp nhất Đảng ủy Khối Dân chính Đảng với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh thành Đảng ủy Khối Cơ quan, Doanh nghiệp tỉnh; hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND tỉnh thành một Văn phòng tham mưu giúp việc chung (theo hướng dẫn của Trung ương). Sáp nhập Ban Tôn giáo (thuộc Sở Nội vụ) với Ban Dân tộc tỉnh thành một cơ quan là Ban Dân tộc - Tôn giáo trực thuộc UBND tỉnh.

Đồng thời, giải thể Sở Ngoại vụ, chuyển chức năng, nhiệm vụ về Văn phòng UBND tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương và giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ động xây dựng các đề án chi tiết (phù hợp với tình hình thực tế của địa phương) về hợp nhất các sở: Giao thông Vận tại với Xây dựng; Tài chính với Kế hoạch và Đầu tư và trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến để tổ chức triển khai thực hiện thí điểm sau khi có hướng dẫn của Trung ương.

Hội nghị cán bộ chủ chốt giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chức danh chủ chốt cấp tỉnh (nhiệm kỳ 2020-2025)

Theo Ủy viên Trung gương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân: “Chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả là quá trình tất yếu để hoàn thiện và nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tình hình mới. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, chồng chéo đang tồn tại của hệ thống chính trị hiện nay; góp phần giảm đầu mối, giảm biên chế thông qua thí điểm mô hình tổ chức bộ máy hành chính hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Điều này sẽ góp phần nâng cao được hiệu quả công việc, tăng thu nhập cho người lao động, loại bỏ ra khỏi bộ máy hành chính những cán bộ, công chức không có năng lực, trình độ, nhất là góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng, tạo động lực mới cho kinh tế - xã hội tỉnh ngày càng phát triển”.

Để tạo đà cho địa phương phát triển trong thời gian tới, trong đó, An Giang xác định “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Vì vậy, tỉnh sẽ tập trung đổi mới công tác quy hoạch, tổ chức, cán bộ gắn với nhiệm vụ chính trị địa phương, đơn vị. Nhất là quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức “vừa hồng, vừa chuyên”, “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đổi mới, thực hiện đúng quy trình đối với công tác tổ chức và cán bộ nhằm tăng cường tính khách quan, công khai, minh bạch, công tâm trong lựa chọn đội ngũ cán bộ.

Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và thu hút người có đức, có tài vào làm việc trong các tổ chức của hệ thống chính trị của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 15, ngày 12-1-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh” nhằm khắc phục tình trạng “hành chính hóa” để gần dân, sát dân hơn. Đồng thời, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của các cấp ủy. Quán triệt tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm khi tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng.

Song song đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đảm bảo quốc phòng - an ninh và thực hiện tốt công tác đối ngoại. Làm tốt công tác tư tưởng, an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân để huy động các tầng lớp nhân dân thi đua lao động sản xuất, chung tay cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương đưa kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết X Đảng bộ tỉnh, đưa quê hương Bác Tôn ngày càng phát triển nhanh và bền vững.

THU THẢO