Ban hành cẩm nang hướng dẫn dạy và học trực tuyến an toàn

10/11/2021 - 14:11

Phiên bản đầu tiên của cuốn cẩm nang “Hướng dẫn sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy và học trực tuyến” vừa được Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT phối hợp cùng với các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT hoàn thiện và ra mắt.

Cẩm nang “Hướng dẫn sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy và học trực tuyến” đã được gửi tới các Sở GD&ĐT tỉnh, thành phố trên toàn quốc để các cơ quan, đơn vị trong ngành Giáo dục hỗ trợ phổ biến đến những cơ sở giáo dục có sử dụng hình thức đào tạo trực tuyến trên địa bàn.

Bản mềm của cẩm nang này, các nhà trường hiện có thể tải về từ Cổng không gian mạng quốc gia tại địa chỉ https://khonggianmang.vn.

Việc xây dựng và ban hành hướng dẫn sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy và học trực tuyến là một nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT, tại Chỉ thị 24 ngày 3/9 về đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục ứng phó với đại dịch Covid-19.

Trong thời gian qua, Cục An toàn thông tin của Bộ TT&TT đã tổ chức khảo sát, xây dựng và khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT hoàn thiện cuốn cẩm nang “Hướng dẫn sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy và học trực tuyến”.

Quá trình xây dựng và hoàn thiện, tài liệu hướng dẫn này có tham khảo, tổng hợp (đã kiểm chứng, đánh giá về mặt nội dung) từ nhiều nguồn thông tin công khai trên Internet.

Cuốn cẩm nang được xây dựng với mong muốn phần nào giải quyết những khó khăn của giáo viên và học sinh tại các trường trong việc làm quen với dạy và học trực tuyến an toàn. (Ảnh minh họa)

Cuốn cẩm nang hướng dẫn dạy và học trực tuyến an toàn mới được cho ra mắt phiên bản đầu tiên là ấn phẩm nhằm giúp giáo viên, các em học sinh và cha mẹ tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cơ bản để nhận biết các nguy cơ mất an toàn thông tin trên không gian mạng nói chung, trong quá trình dạy, học trực tuyến nói riêng. Qua đó, có thể tự bảo vệ mình, bảo vệ lớp học của mình trên không gian mạng.

Cẩm nang gồm có 3 chương, lần lượt tập trung làm rõ vào các nội dung: Nguy cơ mất an toàn thông tin; Hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin cho thiết bị dạy, học trực tuyến; Hướng dẫn sử dụng an toàn các phần mềm.

Trong đó, Chương 1 - Nguy cơ mất an toàn thông tin nêu ra những nguy cơ, vấn đề mất an toàn thông tin mà bất kỳ ai tham gia, truy cập vào Internet cũng có thể gặp phải. Chương này cũng phân tích và đưa ra một số nguy cơ đặc thù đối với các em học sinh như tiếp xúc với các tài liệu có nội dung không phù hợp; tương tác với những đối tượng, tình huống nguy hiểm mà các em không phân biệt được... Phần cuối của chương là hướng dẫn chung người dùng Internet để giải quyết các nguy cơ mất an toàn thông tin.

Chương 2 - Hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin cho thiết bị dạy, học trực tuyến của cẩm nang sẽ hỗ trợ các giáo viên, phụ huynh và các em học sinh tự thiết lập những tính năng có sẵn trên hệ điều hành hoặc sử dụng thêm các phần mềm tin cậy để bảo vệ máy tính, điện thoại di động khỏi các nguy cơ mất an toàn thông tin, bảo vệ khỏi các cuộc tấn công mạng. Từ đó, hạn chế những hậu quả có thể xảy ra.

Chương 3 - Hướng dẫn sử dụng an toàn các phần mềm cung cấp những nội dung hướng dẫn riêng cho giáo viên, học sinh và cha mẹ khi sử dụng các phần mềm dạy, học trực tuyến phổ biến hiện nay như Zoom, Microsoft Teams, Google Meeting, Trans, Zavi, Jitsi... Các phần mềm hướng dẫn trong chương này đã được Cục An toàn thông tin lựa chọn dựa trên kết quả khảo sát thực tế. Thời gian tới, nhóm soạn thảo Cẩm nang sẽ tiếp tục cập nhật hướng dẫn cho các phần mềm mới khi nhận được ý kiến đóng góp từ giáo viên, học sinh và các bậc cha mẹ trong quá trình sử dụng.

Được xây dựng trong thời gian ngắn để kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tế hoạt động học tập trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, phiên bản 1 của cẩm nang “Hướng dẫn sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy và học trực tuyến” có thể còn thiếu sót. Nhóm soạn thảo mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp giúp hoàn thiện hơn nữa cuốn cẩm nang trong các phiên bản tiếp theo.

Theo VÂN ANH (Vietnamnet)