Bàn thảo về dân chủ ở doanh nghiệp

23/09/2022 - 07:14

 - Thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (NLĐ) được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định, kiểm tra, giám sát vấn đề ở cơ sở theo quy định Hiến pháp và pháp luật. Trong đó, thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị được quan tâm nhiều trong giai đoạn hiện nay.

Bổ sung nhiều quy định

Tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), Quốc hội khóa XV thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành sự cần thiết ban hành luật và những nội dung cơ bản của dự thảo luật. Khi được thông qua, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013; thực hành đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở.

Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp Chính phủ, chỉ đạo cơ quan hữu quan nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp; chuyên gia, nhà khoa học để giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Trong đó, việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp (DN), tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (gọi chung là DN) còn nhiều ý kiến khác nhau.

Một số ý kiến đề nghị luật chỉ quy định về thực hiện dân chủ tại DN nhà nước, không điều chỉnh đối với các loại hình DN khác. Có ý kiến đề nghị không quy định về thực hiện dân chủ tại DN trong dự thảo luật, mà chỉ quy định mang tính dẫn chiếu đến các luật khác. Hoặc luật chỉ quy định việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, không nên mở rộng quá nhiều đối tượng.

Đóng góp dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, việc thực hiện dân chủ tại DN không phải là vấn đề mới được đặt ra, mà được khẳng định từ lâu trong các văn kiện của Đảng, thể chế hóa trong nhiều văn bản. Bước đầu, cả nước đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của DN, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập NLĐ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... Vì vậy, việc tiếp tục ghi nhận và quy định cụ thể về thực hiện dân chủ ở DN là cần thiết.

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, cập nhật đầy đủ nhiều quy định hơn trong dự thảo luật, bảo đảm cho việc thực hiện dân chủ của NLĐ đi vào thực chất, khả thi hơn, không chỉ giới hạn trong bảo đảm thực hiện quan hệ lao động, mà còn mở rộng hơn với tư cách là công dân tham gia quản lý xã hội.

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Giữa tháng 9/2022, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định thành lập Ban Thanh tra nhân dân trong DN ngoài nhà nước (đặc biệt là DN FDI) chưa phù hợp. “Nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân trong đơn vị hiện nay lại được bao trùm bởi chức năng, nhiệm vụ của công đoàn cơ sở. Điển hình như giám sát thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.

Nếu có thêm Ban Thanh tra nhân dân, nhiệm vụ này dễ chồng chéo. Tình hình thực tế, DN cần giảm bộ máy quản lý, không thành lập nhiều bộ phận, đơn giản trong quản lý điều hành, hướng tới hiệu quả. Nhân sự tại DN luôn biến động, khó đáp ứng cơ cấu nhân sự của Ban Thanh tra nhân dân, khó bao trùm lĩnh vực, bộ phận để nắm bắt hoạt động DN” - ông Võ Thanh Nhã (Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH An Giang Samho) nhận định.

Cùng băn khoăn, bà Huỳnh Thị Thanh Thúy (Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời) bày tỏ: “Tôi chưa tán thành việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở các loại hình, đặc biệt là DN ngoài nhà nước. Ở các đơn vị này, nguồn vốn đến từ cổ đông, nên đã có ban kiểm soát của Đại hội đồng cổ đông, ban kiểm soát nội bộ DN. Ngoài hội nghị NLĐ, đối thoại dân chủ, còn có ban chấp hành công đoàn đại diện cho NLĐ giám sát thực hiện dân chủ. Vì vậy, Ban Thanh tra nhân dân không cần thiết thành lập nữa”.

Bà Đỗ Thị Kim Yến (Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Phát triển Du lịch An Giang) bổ sung: “Là DN tư nhân không có vốn nhà nước, nếu thành lập thêm Ban Thanh tra nhân dân thì bộ máy công ty trở nên nặng nề. Thành viên của ban không phải lãnh đạo, cấp có thẩm quyền. NLĐ hưởng lương của DN, lại đi giám sát lãnh đạo của mình, có thể nào thực hiện hết vai trò hay không, có đi vào “dân chủ hình thức” không?” - bà Yến đặt vấn đề.

Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang Nguyễn Hồng Quang cho rằng: “NLĐ cần được biết về thỏa ước lao động tập thể, đơn đặt hàng, chiến lược kinh doanh… của công ty một cách minh bạch, tránh hoài nghi, tò mò, dẫn đến đình công, lãng công, tụ tập đông người trái phép, góp phần bình ổn hoạt động sản xuất - kinh doanh. Về băn khoăn của các đơn vị, theo tôi, hoạt động của mỗi tổ chức có hình thức, hiệu quả hay không là do cơ sở. Khi phát huy hết tác dụng tổ chức đó, sẽ rất có lợi. Trong quá trình triển khai, lúc đầu chắc chắn gặp khó khăn, dần dần đi vào cụ thể sẽ mang lại hiệu quả rõ nét”.

“Hiện nay, Quốc hội xây dựng, ban hành hệ thống luật đồng nhất, tạo ra sự thông thoáng cho nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp phát triển. Chúng ta đang đóng góp một số luật quan trọng, trong đó có Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tất cả ý kiến đóng góp đều hay, quan trọng, gợi mở nhiều nội dung liên quan. Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, tổng hợp và sẽ đề xuất đến Quốc hội trong thời gian sớm nhất” - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh thông tin.

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 6 chương, 92 điều, dự kiến thay thế Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTBQH11, ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị quyết 55/NQ-UBTVQH, ngày 30/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan.

 

GIA KHÁNH

 

Liên kết hữu ích