Đại biểu khảo sát Di tích Gò Cây Thị
Đại biểu khảo sát và chụp hình lưu niệm tại Di tích Gò Út Trạnh
Đại biểu khảo sát, tìm hiểu và chụp hình lưu niệm tại chùa Linh Sơn
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Nhà trưng bày Văn hóa Óc Eo
Khảo sát thực tế tại Di tích Gò Cây thị, Di tích Gò Út Trạnh, chùa Linh Sơn và Nhà trưng bày Văn hóa Óc Eo, đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương đã được thuyết minh về nguồn gốc, giá trị văn hóa, cũng như công tác bảo tồn, phát huy giá trị của Khu Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê.
Óc Eo là nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng ở Nam Bộ, gắn liền với lịch sử của Vương quốc Phù Nam, một bộ phận cấu thành lịch sử dân tộc Việt Nam. Những dấu vết vật chất thuộc nền văn hóa này được các học giả người Pháp phát hiện cuối thế kỷ 19.
Dấu mốc quan trọng đánh dấu lịch sử phát hiện và nghiên cứu về nền văn hóa Óc Eo là cuộc khai quật khảo cổ tại cánh đồng Óc Eo (dưới chân núi Ba Thê, thuộc huyện Thoại Sơn), do Louis Malleret thực hiện năm 1944. Năm 2012, Khu di tích Óc Eo - Ba Thê được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt; được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Trong số hàng trăm di tích văn hóa Óc Eo được phát hiện trên khắp ĐBSCL, mật độ di tích tìm thấy khá dày ở An Giang. Hiện nay, 84 di tích văn hóa Óc Eo đã được kiểm kê nằm trên địa bàn 10 huyện/thị xã trong tỉnh.
Trong đó, Khu Di tích Óc Eo - Ba Thê không chỉ nổi bật nhất trong khu vực ĐBSCL mà còn được nhiều nhà khoa học đánh giá là khám phá khảo cổ học lớn ở Đông Nam Á, bởi lẽ đưa đến những cứ liệu cụ thể, tôn chỉ liên quan trực tiếp đến lịch sử - văn hóa của các quốc gia cổ đại đầu tiên ở Đông Nam Á.
PHƯƠNG LAN