Anh Hòa (một người bạn vong niên) lẩm nhẩm: “Sắp Tết rồi, không biết chuẩn bị bánh trái thế nào đây!”. Ý của anh là “chuẩn bị bánh chưng thế nào đây”. Cuộc sống trong Nam đỡ hơn miền quê Phú Thọ của anh. Nhưng mấy năm dịch bệnh, kinh tế chật vật, anh không đủ điều kiện về quê ăn Tết.
“Đêm giao thừa, ngồi ăn bánh tét mà tôi thèm miếng bánh chưng kinh khủng! Không phải thèm hương vị bánh, mà là thèm không gian quê nhà, thèm cảm giác ngồi quây quần bên mâm cỗ gia đình, nghe tiếng chúc nhau rộn rã. Bởi vậy, năm nào tôi cũng tìm chỗ mua bánh chưng, nhờ họ gửi vào An Giang. Ăn chẳng bao nhiêu, chủ yếu nhìn thấy để lòng đỡ chộn rộn” - anh tâm sự.
Bánh chưng trong tâm tưởng của anh là sự kết hợp rất hài hòa của vị nếp dẻo, vị béo của thịt mỡ, vị mềm mịn của đậu xanh, ăn kèm với củ kiệu, dưa món… mằn mặn, cay cay. Bánh chưng được làm ra từ cơn rét cuối năm, từ nỗi niềm tất bật chuẩn bị Tết của người lớn trong gia đình, từ sự háo hức vô tư của trẻ nhỏ. Mấy mươi năm xa Bắc, cũng đã có mái ấm riêng, quen dần với bánh tét đủ vị của “quê hương thứ 2”, anh Hòa vẫn đau đáu nhớ về món bánh chưng. Vợ anh tập tành nấu gói, nhưng anh không tìm thấy mùi vị mình nhớ…
Xa quê Thanh Hóa, vào Nam lập nghiệp, chị Phạm Thị Thế (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) lại gom nỗi nhớ vào từng chiếc bánh chưng tự tay mình làm, góp vui ngày Tết miền Tây sông nước.
“Ban đầu, tôi chỉ gói chừng 10 cặp bánh để cả nhà ăn Tết. Dần dần, nhiều người quen, bạn bè xa quê giống tôi nhờ gói thêm ít bánh để họ đỡ tìm chỗ mua. Khoảng 20 tháng Chạp, tôi chốt số lượng, đặt lá dong từ quê vào, bắt đầu chia đợt gói, đến 25 tháng Chạp đem giao. Cặp bánh nhỏ (1,5 - 1,6kg) giá 250.000 đồng; còn cặp bánh trên 2kg có giá 300.000 đồng”. Nhà chị ít người, tất cả cùng chia việc, xúm xít gói nấu bánh chưng, đem món đặc sản thấm đẫm hương vị đất Bắc hòa quyện vào mai vàng, nắng gió miền Nam.
Thật ra, bánh chưng và bánh tét có nhiều điểm tương đồng. Chúng đều xuất phát từ những câu chuyện xa xưa của dân tộc Việt Nam, chắt chiu tinh túy ruộng đồng, kết hợp giữa sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi, nâng tầm triết lý ẩm thực truyền thống. Chúng đều theo khuôn mẫu: Gạo nếp bao xung quanh nhân đậu xanh, thịt mỡ; đều được tạo hình có đôi có cặp, tượng trưng cho tâm tình kỳ vọng năm mới sung túc, may mắn, chào đón mọi điều tốt đẹp.
Điểm khác biệt lớn nhất là hình dáng, cách gói. Bánh tét hình trụ, gói bằng lá chuối “minh thiên” ở miền Nam. Còn bánh chưng hình vuông dày dặn, đậm đà nép mình trong lá dong, loại lá chỉ phổ biến ở miền Bắc. Phong tục tập quán quê hương xứ sở ăn sâu vào tiềm thức, nếp sinh hoạt, nên đặc sản quê cũng theo chân người quê đi xứ khác.
Thời buổi kinh tế thị trường, “khách hàng là thượng đế”, nhiều nơi mở rộng thị trường kinh doanh bánh chưng, giao hàng toàn quốc, đáp ứng yêu cầu của những vị khách như anh Hòa. Mới qua Giáng sinh thôi, mà bánh chưng đã được rao bán đầy trên mạng xã hội. Chủ yếu, họ quảng bá các loại bánh, thu hút lượng khách đặt hàng để kịp tiến độ giao hàng cận Tết.
Cơ sở bánh chưng gù Bà Dung (tỉnh Hà Giang) tung ra một loạt bánh - nghe tên thôi đã thấy hấp dẫn: Bánh chưng mật, bánh chưng gấc, bánh chưng gù truyền thống, bánh chưng gù nếp cẩm, gạo lứt… Nguyên liệu cơ bản nhất là gạo nếp cái hoa vàng, nhân thịt heo đen bản địa và đậu xanh cà vỏ. Khi ăn, quện trong đầu lưỡi là vị dẻo mềm đặc trưng, thơm mùi lá dong và đậu xanh. Ngoài kích thước vuông quen thuộc, bánh chưng được “thu nhỏ” theo kích thước mi-ni, dưới 400gr.
“Hàng năm, chúng tôi thông báo hạn cuối gửi bánh theo đơn đặt hàng vào miền Nam ngày 24 tháng Chạp, khách nhận ngày 26 - 28 tháng Chạp, vừa kịp chuẩn bị cúng giao thừa. Các đơn miền Bắc và miền Trung sẽ được gửi trễ hơn, nhưng cũng đến tay khách hàng không quá ngày 28 tháng Chạp. Vận chuyển đường xa, nên mỗi chiếc bánh được hút chân không, hạn chế tối đa việc mốc hỏng. Khi nhận bánh, khách hàng cất trữ trong tủ lạnh. Chuẩn bị cúng, thưởng thức thì chỉ cần lấy ra hâm nóng, khôi phục lại độ thơm ngon vốn có của bánh” - đại diện cơ sở chia sẻ.
Nhiều bạn trẻ nhạy bén kinh doanh nhanh chóng gia nhập thị trường phân phối bánh chưng. Lê Minh Tuyền (ngụ TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Tôi thường nhận gom đơn hàng bánh tét cho khách quanh năm. Thi thoảng, có khách hỏi mua bánh chưng. Càng gần Tết thì lượng khách hỏi càng nhiều hơn. Tôi chọn đặt mua một cơ sở uy tín ở TP. Cần Thơ. Đặc biệt, cơ sở này chỉ gói bánh chưng mi-ni (300gr/cái), giá vài chục ngàn đồng, rất dễ tiêu thụ. Chỉ cần đặt trước 2 ngày là nhận được bánh, bất kỳ lúc nào trong năm cũng có”.
Bánh chưng cũng gợi nhớ một ký ức thật đặc biệt trong tôi. Năm 2020, nhiều nhà báo tháp tùng đoàn công tác miền Tây đi Vùng 5 Hải quân. Bánh tét, bánh chưng được mang đi khắp các đảo, mang hương vị Tết đến người lính xa xôi. Chúng tôi lênh đênh trên biển gần 1 tuần lễ, ăn sắp cạn thực phẩm mang theo.
Những hôm gần cuối hải trình, không thể nuốt nổi mì gói, cơm thịt kho, chúng tôi xúm vào bếp, lục lọi mấy cái bánh chưng còn sót lại, chia nhau bỏ bụng. Vậy mà ngon! Ngon vì lạ miệng, ngon vì hoàn cảnh chi phối khẩu vị, ngon vì món ăn chia sẻ cùng những người bạn đồng nghiệp - mới gặp mà đã thân thiết vô cùng…
Bởi thế, tôi phần nào hiểu được nỗi nhớ bánh chưng của anh Hòa, chị Thế. Nỗi nhớ ấy vô hình, nhưng trĩu nặng mỗi mùa Tết đến, Xuân về. Vậy nên, chỉ mong ngày Tết ở miền Nam nhiều hơn chiếc bánh chưng vuông vức, để xóa nhòa phần nào khoảng cách trong tim.
VẠN LỘC