Hội nghị do Sở TT&TT Đà Nẵng tổ chức với sự tham dự của hơn 200 đại biểu là lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các báo, đài, cán bộ truyền thông và đoàn viên thanh niên trên địa bàn thành phố.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Phương, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo là xu hướng phát triển trong hoạt động sản xuất nội dung báo chí. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với báo chí. Chính vì vậy, qua hội nghị tập huấn này, Sở TT&TT hy vọng sẽ cung cấp những kiến thức và những kinh nghiệm cho các cơ quan báo chí trong hoạt động của mình; góp phần nâng cao kỹ năng về truyền thông chuyển đổi số, ứng dụng, khai thác công nghệ số phục vụ chuyển đổi số báo chí.
Mở đầu chuyên đề liên quan công tác chuyển đổi số báo chí, ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam cho biết, cách mạng kỹ thuật số diễn ra đã kéo theo sự thay đổi về thói quen, phương thức và nền tảng tiếp nhận thông tin của độc giả.
Theo khảo sát với 314 lãnh đạo cơ quan báo chí từ 56 quốc gia về dự định đầu tư của các cơ quan báo chí năm 2024, có 0% đầu tư cho bài viết, trong khi đó Podcasts là gần 50% và video là hơn 60%...
Tại Việt Nam, có 78,4 triệu người sử dụng Internet; 72,7 triệu người dùng mạng xã hội. Người Việt dành hơn 6 giờ mỗi ngày để vào mạng, trong đó thời gian nhiều nhất là xem video, mạng xã hội từ 2h21-2h25 phút; 1h47 phút cho đọc báo…Facebook là nền tảng phổ biến nhất ở Việt Nam, tiếp đến là Zalo, Tiktok… Điều này dẫn tới hệ quả nhà nhà làm Youtuber, Tiktoker.
Ông Nhật cho rằng, báo chí đang chạy theo mạng xã hội. Người dân có xu hướng xem nội dung trên mạng xã hội. “Đứng trước thách thức đó, báo chí cần làm gì?”, ông Nhật đặt vấn đề.
Theo ông, chuyển đổi số là xu thế không thể cưỡng lại. Chính vì vậy, các cơ quan báo chí cần có những thay đổi để thích ứng phù hợp với xu hướng hiện nay. Báo chí không thể bỏ lỡ "chuyến tàu AI".
Các cơ quan báo chí cần thay đổi tư duy, chú trọng việc phát triển độc giả trẻ; coi trọng các nền tảng mới bên cạnh nền tảng truyền thống; bám sát xu hướng và lan toả trên mạng xã hội nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của độc giả.
Chẳng hạn như Truyền hình Thông tấn xã hiện nay đang tiếp cận độc giả trẻ bằng cách xây dựng kênh Tiktok với gần 3 triệu người theo dõi hay VietnamPlus tuần nào cũng có những bản tin trên Tiktok đạt triệu view; kênh YouTube của Báo Thanh Niên có hơn 6 triệu người theo dõi…
Ông Nhật cho biết, trước những thách thức đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Mục tiêu 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên nền tảng số; 90% sử dụng nền tảng phân tích dữ liệu AI; 100% hoạt động theo mô hình toà soạn hội tụ. Mô hình hoạt động theo nguyên lý lấy độc giả làm trung tâm, độc giả ở đâu, báo chí ở đó; đưa tin trên nền tảng thích hợp một cách nhanh chóng nhất. Đóng gói bản tin phục vụ đối tượng phù hợp.
Theo ông, hiện nay, các cơ quan báo chí gặp khó khăn về chi phí để áp dụng chuyển đổi số, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất tin tức. Việc khai thác, sử dụng AI trong hoạt động điều hành, sản xuất nội dung còn hạn chế. Tuy nhiên, đầu tư cho công nghệ là đầu tư cho tương lai, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của báo chí.
Ngày mai (11/6), hội nghị sẽ tập huấn nâng cao kỹ năng cho đối tượng thanh niên trên địa bàn thành phố về Tiện ích số và cách sử dụng tài khoản VNeID nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, các chính sách ưu đãi mới trong đăng ký sử dụng tên miền “.vn”.