Bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu

26/09/2022 - 08:01

Bảo đảm an ninh lương thực là chủ đề được nhắc đến nhiều nhất trong Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 77 đang diễn ra tại New York. Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung, nguy cơ mất an ninh lương thực là nỗi lo của mọi quốc gia.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Các nhà lãnh đạo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vừa ra tuyên bố chung thứ hai kêu gọi hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu.

Dù lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn khẳng định thị trường lương thực đã sáng sủa hơn so với thời điểm ra tuyên bố chung thứ nhất vào tháng 4 vừa qua, nhưng việc phải ra tuyên bố chung thứ hai cho thấy, bảo đảm an ninh lương thực là hành trình gian nan và lâu dài.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định, thế giới có đủ lương thực trong năm 2022 nhưng thách thức hiện nay lại nằm trong hoạt động phân phối. Nếu tình hình không ổn định trong năm nay, thế giới sẽ đối mặt nguy cơ thiếu lương thực vào năm 2023.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nêu rõ, không có hòa bình khi còn đói nghèo và không thể chống đói nghèo khi không có hòa bình. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng, an ninh lương thực vẫn là vấn đề đặc biệt khẩn cấp bất chấp việc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã cam kết chi 5 tỷ USD cho mục tiêu này.

Theo số liệu thống kê của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và FAO, năm 2021 có khoảng 700-830 triệu người, tương đương 9,8% dân số thế giới, bị ảnh hưởng của nạn đói. Con số này tăng 150 triệu người so năm 2019 và tiếp tục tăng 46 triệu người so năm 2020.

Nhằm giảm bớt nỗi lo mất an ninh lương thực, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã có các hành động quyết liệt. Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố hỗ trợ thêm 2,9 tỷ USD, khoản bổ sung cho gói 6,9 tỷ USD mà Chính phủ Mỹ cam kết trong năm nay nhằm hỗ trợ an ninh lương thực toàn cầu.

Người đứng đầu Chính phủ Xứ Cờ hoa hy vọng, khoản hỗ trợ này sẽ giúp những nhóm người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới tránh khỏi nạn đói. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, Paris sẽ tài trợ chuyến tàu vận chuyển bột mì của Ukraine tới Somalia, quốc gia vốn đang chìm đắm trong đói nghèo.

WB đang thực hiện chương trình trị giá 30 tỷ USD để ứng phó cuộc khủng hoảng an ninh lương thực. IMF đề xuất biện pháp giảm cú sốc lương thực trong các công cụ cho vay khẩn cấp. FAO đưa ra một loạt khuyến nghị chính sách và bản đồ dinh dưỡng đất đai chi tiết ở cấp quốc gia để tăng hiệu quả sử dụng phân bón trong hoạt động sản xuất lương thực.

Trong khi đó, Indonesia - quốc gia đông dân nhất khu vực Đông Nam Á, đã chuẩn bị ngân sách 95 nghìn tỷ rupiah (khoảng 6,32 tỷ USD), sẵn sàng đối phó nguy cơ khủng hoảng lương thực vào năm 2023.

Bộ Tài chính Indonesia nhấn mạnh, gói ngân sách khổng lồ được sử dụng để bảo đảm an ninh lương thực trong nước, phòng ngừa những tình huống rủi ro bất ngờ có thể xảy ra.

Bộ Nông nghiệp Indonesia được giao nhiệm vụ sử dụng các quỹ này để duy trì ổn định sản xuất các mặt hàng lương thực ưu tiên, phát triển đa dạng hóa lương thực địa phương, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cũng như khả năng cạnh tranh và xuất khẩu nông sản.

Giới chuyên gia nhấn mạnh, trong bối cảnh xung đột, dịch bệnh và thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đang hoành hành, các biện pháp đối phó nguy cơ mất an ninh lương thực là rất cấp thiết, nhằm tránh để những nhóm người dễ bị tổn thương rơi vào cảnh đứt bữa.

Theo BẢO MINH (Nhân Dân)