Động lực giữ chân dòng vốn FDI

27/07/2025 - 19:19

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều thách thức, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực, khẳng định sức hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước.

Chú thích ảnh

Dây chuyền sản xuất bản mạch điện tử tại Công ty TNHH Nexcon Việt Nam, vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Bắc Ninh. Ảnh tư liệu: Danh Lam/TTXVN

Bắc Ninh là một minh chứng cho việc các nhà đầu tư FDI tiếp tục tin tưởng và mở rộng hoạt động sản xuất tại địa phương.

Đòn bẩy từ các "đại bàng" công nghệ

Tỉnh Bắc Ninh sau hợp nhất tiếp tục là địa chỉ đỏ cho các nhà đầu tư FDI. Theo số liệu Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong 6 tháng đầu năm 2025, Bắc Ninh thu hút FDI đứng thứ 2 toàn quốc sau thành phố Hà Nội. Điều này một lần nữa khẳng định, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn đặt niềm tin vào sự tăng trưởng khi đầu tư vào Bắc Ninh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, một trong những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư ngoài nước là tỉnh Bắc Ninh nhất quán quan điểm đặt lợi ích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh quan tâm hỗ trợ cho nhà đầu tư ngay từ khi bắt đầu đặt chân vào nghiên cứu thủ tục, tạo ra niềm tin cho doanh nghiệp ngay từ khi tìm hiểu đầu tư; đồng thời, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trong việc hỗ trợ từng thủ tục, các vướng mắc đều phải giải quyết được. 

Sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị và cơ quan quản lý đã củng cố thêm lòng tin từ các nhà đầu tư. Những tập đoàn như Samsung, Amkor đã chọn Bắc Ninh làm cứ điểm sản xuất chiến lược. Việc các dự án liên tục được mở rộng không chỉ giúp giữ lại dòng vốn tại địa phương, mà còn thúc đẩy mục tiêu chuyển dịch sang ngành công nghệ cao, góp phần hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

Một trong những điển hình cho sự phát triển mạnh mẽ của dòng vốn FDI tại Bắc Ninh là Công ty TNHH Sunwoda Việt Nam – doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện điện tử và bán dẫn tại Khu công nghiệp Vân Trung. Chỉ sau chưa đầy 2 năm hoạt động (từ cuối 2023), doanh nghiệp này đã tuyển dụng hơn 300 lao động với mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/người/tháng. Trước những tín hiệu tích cực về thị trường và môi trường đầu tư, Sunwoda đã quyết định "tăng tốc" đầu tư thêm gần 300 triệu USD để xây dựng Nhà máy thứ hai tại khu công nghiệp Yên Lư, với quy mô tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động.

Ông Li Weineng, Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Sunwoda Việt Nam, nhấn mạnh, việc tăng cường đầu tư vào Bắc Ninh là rất cần thiết cho sự phát triển chiến lược của công ty. Bởi doanh nghiệp đang mở rộng thị trường Đông Nam Á, châu Âu và châu Mỹ. Chính vì vậy, trước những điều kiện thuận lợi khi đầu tư vào Bắc Ninh, doanh nghiệp đã quyết định xây thêm nhà máy thứ 2, đây cũng là cứ điểm chiến lược của tập đoàn.

Không chỉ có Sunwoda, làn sóng mở rộng đầu tư tại Bắc Ninh còn được minh chứng rõ rệt qua các dự án quy mô lớn như của Công ty TNHH Seo Jin Auto (100% vốn Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Đại Đồng – Hoàn Sơn, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị thu phát sóng và linh kiện điện tử. Doanh nghiệp này vừa đăng ký bổ sung 121 triệu USD vốn đầu tư, tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất và tạo thêm hàng nghìn việc làm.

Tương tự, Công ty TNHH Nokia Việt Nam cũng nâng tổng vốn đầu tư thêm 39 triệu USD cho dự án Fushan Technology tại khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. Việc các "ông lớn" liên tục mở rộng đầu tư cho thấy Bắc Ninh không chỉ là điểm đến, mà còn là điểm dừng chân chiến lược của các nhà đầu tư FDI dài hạn.

Đón đầu làn sóng FDI mới bằng chiến lược đồng bộ

Toàn tỉnh Bắc Ninh sau hợp nhất có 33 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 6.401 ha và 93 cụm công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 3.497 ha. Đặc biệt, tỉnh đã xác định rõ chiến lược phát triển các khu công nghiệp xanh, hiện đại, sẵn sàng đón đầu các nhà đầu tư chiến lược toàn cầu.

Thành công trong thu hút đầu tư của Bắc Ninh cũng là kết quả từ việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đầu tư bài bản cho hạ tầng công nghiệp, thúc đẩy cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao – các yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển lâu dài.

Tỉnh cũng đang thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: rà soát, sửa đổi các thủ tục hành chính chưa phù hợp thực tế; xử lý nhanh các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tuyển dụng lao động, đảm bảo cung ứng điện ổn định cho sản xuất – kinh doanh.

Bên cạnh đó, Bắc Ninh đang đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 66/NQ-CP về cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Tỉnh cũng chủ động hoàn thiện hệ thống thông tin điều hành theo chỉ đạo tại Công điện 96/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường kỷ luật hành chính và đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong hỗ trợ nhà đầu tư.

Đặc biệt, chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã triển khai hiệu quả mô hình "luồng xanh trong giải quyết thủ tục hành chính", tạo sự minh bạch và nhanh chóng cho các nhà đầu tư. Ông Trần Sơn Tùng, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh luôn chú trọng dự báo xu hướng đầu tư, điều chỉnh quy hoạch ngành nghề, hướng tới dòng vốn FDI công nghệ cao, thân thiện môi trường. Đồng thời, cải cách hành chính và cơ chế một cửa liên thông giúp doanh nghiệp rút ngắn quy trình, tăng tính hiệu quả.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đã nhấn mạnh, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh thời gian tới là cần giữ vững thành quả thu hút đầu tư, chủ động đón làn sóng đầu tư mới. Theo đó, ưu tiên hỗ trợ hệ sinh thái, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. 

Ông Vương Quốc Tuấn đề nghị Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh tăng cường giám sát tiến độ xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp cũng như các dự án đầu tư thứ cấp nhằm bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả. Cùng đó, việc rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng tại các khu, cụm công nghiệp cũng cần được triển khai khẩn trương, sẵn sàng đón đầu làn sóng đầu tư mới. Các sở, ngành liên quan chủ động phối hợp giải quyết kịp thời các kiến nghị, tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi, củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với chính sách cũng như điều hành của tỉnh.

Bắc Ninh đã và đang khẳng định vai trò là "thủ phủ công nghiệp phía Bắc" với định hướng phát triển bền vững, hiện đại, thân thiện môi trường. Việc giữ chân dòng vốn FDI và đón đầu xu hướng đầu tư công nghệ cao không chỉ tạo đà tăng trưởng cho địa phương mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ thu hút đầu tư toàn cầu.

Theo ĐỒ HUYỀN (TTXVN)