Bảo đảm an toàn khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em

06/12/2021 - 08:56

Từ đầu tháng 11-2021, chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em độ tuổi từ 12 đến 17 bắt đầu được triển khai trên phạm vi cả nước. Sau khi xảy ra một số trường hợp phản ứng nặng sau tiêm, trong đó có ba trẻ ở Hà Nội, Bắc Giang, Bình Phước tử vong, vấn đề bảo đảm an toàn sau tiêm trở nên cấp thiết.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh Trường THPT Quang Trung, quận Ðống Ða, TP Hà Nội. Ảnh: THẾ ÐẠI

Thống kê đến ngày 4/12, cả nước có 49 tỉnh, thành phố triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ với tổng số 5,3 triệu liều; tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine là 47% và tỷ lệ bao phủ đủ hai liều là hơn 10% số trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em được triển khai tương tự như tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, với các điểm tiêm tại trạm y tế xã, phường, các trường học, trung tâm y tế và bệnh viện (đối với một số trẻ có bệnh nền, béo phì); việc tiêm vaccine được thực hiện trước với trẻ em ở độ tuổi từ 16 đến 17 tuổi, sau đó sẽ hạ dần độ tuổi.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi là cách thức hiệu quả để bảo vệ trẻ và tăng độ bao phủ miễn dịch cộng đồng. Yêu cầu đầu tiên khi triển khai tiêm vaccine cho trẻ được xác định là bảo đảm an toàn. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã có hướng dẫn và chỉ đạo sở y tế các địa phương tăng cường theo dõi phản ứng sau tiêm để kịp thời hỗ trợ xử lý theo đúng quy định. Mặt khác, tất cả tỉnh, thành phố đều được tập huấn chuyên môn về tiêm chủng cho trẻ em; đồng thời cũng giao cho các đơn vị đầu ngành hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương trong việc tổ chức triển khai tiêm chủng.

Thực tế tại các địa phương cho thấy về cơ bản các quy trình được thực hiện đúng theo hướng dẫn, giống như tiêm cho người lớn. Nhằm bảo đảm an toàn tiêm chủng cho trẻ, hai sở: Y tế, giáo dục và đào tạo có sự phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương thực hiện rà soát, thống kê số trẻ trong độ tuổi; thống nhất phương án và các giải pháp đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm an toàn tiêm chủng. Các đơn vị y tế triển khai công tác an toàn tiêm chủng, tham mưu cấp ủy chính quyền địa phương trong phòng, chống dịch Covid-19... Sở Giáo dục và Ðào tạo phối hợp chỉ đạo các trường THPT, THCS chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức điểm tiêm chủng lưu động tại trường học; phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường công tác truyền thông đến các bậc phụ huynh về lợi ích của việc tiêm chủng...

Khám sàng lọc cho học sinh THPT TP Bảo Lộc (Lâm Ðồng) trước khi tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: KHÁNH PHÚC 

Công tác chuẩn bị và triển khai tiêm cho trẻ em khó khăn hơn với người lớn. Do vậy, để công tác tiêm chủng cho trẻ đạt hiệu quả và bảo đảm an toàn cần chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của trẻ và người giám hộ, cũng như chuẩn bị các phương án để tiêm cho trẻ an toàn ngay tại các trường học...; công tác chuẩn bị tâm lý trước và trong khi tiêm cho trẻ; theo dõi sau tiêm cho trẻ.

TS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) nêu rõ: Các đơn vị cần quản lý tốt đối tượng để tránh hao phí vaccine và bảo đảm độ bao phủ. Ðồng thời truyền thông tích cực, lựa chọn thông điệp phù hợp và chủ động, sáng tạo nhằm đả thông tư tưởng cho các bậc cha mẹ và cả bản thân trẻ em trong việc tiêm chủng. Truyền thông tốt cũng giảm bớt các phản ứng không mong muốn liên quan tâm lý ở trẻ. Bố trí điểm tiêm an toàn và phù hợp, kín đáo, riêng tư và một chiều, việc này cũng góp phần vào an toàn tiêm chủng. Ðặc biệt, tập huấn kỹ cho cán bộ tiêm chủng, cán bộ hỗ trợ và cả hệ thống cấp cứu trong việc xử lý tốt các phản ứng sau tiêm.

Sau khi xảy ra một số trường hợp tai biến sau tiêm ở Hà Nội, Bắc Giang, Thanh Hóa, vấn đề bảo đảm an toàn sau tiêm trở nên cấp thiết. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh để sớm trở lại trường học; rà soát lại việc tiêm, bảo quản vaccine, thanh tra, kiểm tra lại các khâu, không để xảy ra sự cố. Bộ Y tế cũng đã đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc phối hợp các đơn vị chức năng trên địa bàn tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn, quy định về phòng, chống dịch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động phòng, chống dịch, nhất là việc thực hiện Thông điệp 5K, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng trên địa bàn bảo đảm an toàn, hiệu quả (kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế về tiếp nhận, quản lý, bảo quản, sử dụng vaccine, tổ chức buổi tiêm chủng...).

TS Phạm Quang Thái lưu ý, về phía các bậc cha mẹ, người giám hộ cần luôn có người hỗ trợ, bên cạnh trẻ sau khi tiêm vaccine 24 giờ trong ngày. Không để trẻ uống rượu, bia, các chất kích thích và không để trẻ vận động mạnh, chơi thể thao ít nhất trong ba ngày đầu sau tiêm vaccine. Trước khi đi tiêm, động viên trẻ tại nhà, giải thích cho trẻ lợi ích của tiêm chủng và hướng dẫn trẻ tự theo dõi sức khỏe bản thân. Sau tiêm, phụ huynh cần chủ động theo dõi và chia sẻ với trẻ về cảm nhận; thường xuyên đo thân nhiệt, bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ. Mục đích là theo dõi sát sức khỏe của trẻ để tránh nguy cơ xảy ra các phản ứng bất lợi, nếu thấy tại chỗ tiêm của trẻ có những dấu hiệu như sưng, đỏ, đau, nổi cục… cần đi khám ngay; không được bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

Thông báo ngay cho y tế nếu có bất cứ vấn đề gì băn khoăn về sức khỏe của trẻ, nhất là khi phát hiện thấy trẻ có những biểu hiện bất thường: Có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi; ở da thấy phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da; có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật; có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất; có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái… tuân thủ hướng dẫn đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế.

Theo THÁI HOÀNG (Nhân Dân)