Báo động đỏ nạn cháy rừng

10/08/2023 - 08:39

Thời gian qua, các đợt nắng nóng khắc nghiệt hoành hành ở nhiều quốc gia, từ châu Âu đến châu Mỹ, kéo theo hệ lụy là số vụ cháy rừng tăng cao. Không chỉ gây ô nhiễm không khí, các vụ cháy rừng còn đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái rừng, như tàn phá thảm thực vật trên diện rộng, làm mất đa dạng sinh học.

Nhân viên cứu hỏa tại Hy Lạp nỗ lực dập đám cháy rừng tại Glatsona, đảo Evia. (Ảnh Getty Images/Báo Công an nhân dân)

Nhiều quốc gia châu Âu phải chật vật đối phó với các đám cháy rừng lan rộng giữa lúc nắng nóng cực đoan hoành hành. Bộ trưởng Khủng hoảng khí hậu và Bảo vệ dân sự Hy Lạp Vassilis Kikilias cho biết, lực lượng cứu hỏa nước này đã phải nỗ lực dập tắt hơn 600 đám cháy chỉ riêng trong tháng 7/2023.

Hiệp hội Bảo hiểm cho nông dân Hy Lạp ước tính, cháy rừng tại đảo Rhodes đã thiêu trụi 50.000 cây ô-liu và làm 2.500 động vật chết. Tại Tây Ban Nha, hơn 2.500 cư dân sống ở đảo La Palma thuộc quần đảo Canary phải sơ tán do cháy rừng nghiêm trọng. Lực lượng cứu hỏa các nước Italia, Croatia, Pháp... cũng chật vật đối phó “giặc lửa”.

Khu vực châu Mỹ cũng trải qua nắng nóng khắc nghiệt kéo theo cháy rừng. Với khoảng 1.000 đám cháy bùng phát từ bờ Tây sang tới bờ Đông được ghi nhận vào cuối tháng 7/2023, người dân Canada phải chứng kiến một trong những mùa cháy rừng tàn khốc nhất từ trước đến nay. Mùa cháy rừng tại Canada thường xảy ra vào khoảng thời gian này trong năm.

Nhưng trong năm nay, nó đã xảy ra sớm hơn, ngay từ tháng 5 và được dự báo sẽ kéo dài hơn thông thường. Còn tại quốc gia láng giềng là Mỹ, hồi cuối tháng 6/2023, một đám cháy rừng ở bang Arizona lan rộng khoảng 1.010 ha, thiêu rụi các bụi cỏ và bụi rậm ở phía tây bắc dãy núi McDowell, buộc hơn 1.100 người dân địa phương phải sơ tán.

Một trong những hệ lụy nghiêm trọng từ các vụ cháy rừng là chất lượng không khí suy giảm. Theo nghiên cứu, lượng khí thải carbon dioxide từ các vụ cháy rừng ở Canada đã vượt quá 1 tỷ tấn. Lượng khí thải này tác động đáng kể đến tình trạng ấm lên toàn cầu, từ đó dẫn đến “vòng luẩn quẩn” là gia tăng hình thái thời tiết nắng nóng cực đoan do biến đổi khí hậu và kéo theo các nguy cơ cháy rừng.

Ngoài việc ảnh hưởng đến khí hậu, các vụ cháy rừng còn giải phóng các chất ô nhiễm không khí như PM2.5, PM10, khí aerosol hữu cơ và muội than gây hại cho sức khỏe con người. Tại Australia, mùa cháy rừng năm 2019-2020 còn bị gọi là “mùa hè đen tối” với số người mắc các triệu chứng hen suyễn và phải nhập viện cấp cứu tăng 44% so với một năm trước đó.

Bảo tồn rừng là giải pháp quan trọng để ngăn chặn nguy cơ cháy rừng. Theo đó, con người cần tập trung chăm sóc những tầng cây thấp có nguy cơ gây cháy rừng.

Giới chuyên gia cho rằng, bảo tồn rừng là giải pháp quan trọng để ngăn chặn nguy cơ cháy rừng. Theo đó, con người cần tập trung chăm sóc những tầng cây thấp có nguy cơ gây cháy rừng.

Chuyên gia nghiên cứu về cháy rừng thuộc Đại học Valladolid của Tây Ban Nha, ông Pablo Martin Pinto ủng hộ ý tưởng tạo lập các khu vực có khả năng chống chịu tốt hơn, tạo cảnh quan đa dạng với các khu rừng rậm rạp xen kẽ các trang trại chăn nuôi và các khu vực bụi rậm. Ông Pablo Martin Pinto cho rằng, các khu vực chỉ trồng rừng sẽ hạn chế khả năng ngăn chặn đám cháy lan rộng.

Trong bối cảnh hình thái thời tiết nắng nóng cực đoan xảy ra ngày càng thường xuyên, với mức độ nghiêm trọng gia tăng ở nhiều khu vực, ứng phó cháy rừng là vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự của các quốc gia. Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng, giải quyết nạn cháy rừng không chỉ là ứng phó khi nhiệt độ tăng cao và ngọn lửa bùng phát, mà còn phải bằng hành động phòng ngừa sớm, trong đó có nỗ lực kiềm chế sự nóng lên toàn cầu.

Theo Nhân Dân