Muỗi truyền bệnh ở châu Á đã phát triển khả năng kháng thuốc diệt côn trùng gấp 10 lần mức trước đây. Ảnh: AFP
Theo hãng thông tấn AFP, nhà khoa học Nhật Bản Shinji Kasai cùng các đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu các loại muỗi tại một số quốc gia ở châu Á và Ghana.
Kết quả, ông Kasai đã tìm ra một loạt đột biến mới giúp một số loài muỗi hầu như miễn dịch đối với các hóa chất diệt côn trùng phổ biến.
Tiến sĩ Kasai nói với AFP: “Ở Campuchia, hơn 90% muỗi Aedes aegypti có sự kết hợp của các đột biến nên có mức độ kháng thuốc cực ca”.
Ông đã phát hiện một số chủng muỗi có khả năng kháng thuốc gấp 1.000 lần, tăng mạnh so với mức 100 lần đã thấy trước đây.
Điều đó có nghĩa là nồng độ thuốc diệt côn trùng thường đủ tiêu diệt gần 100% muỗi tại phòng thí nghiệm sẽ chỉ tiêu diệt được khoảng 7% số muỗi.
Ngay cả tăng liều lượng mạnh hơn gấp 10 lần cũng chỉ tiêu diệt được 30% số muỗi siêu kháng thuốc.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh ở thể nhẹ có thể tự khỏi sau một tuần, tuy nhiên trong một vài tình huống hy hữu, bệnh có nguy cơ trở nặng và đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh nếu không điều trị kịp thời.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 20.000 - 50.000 người, hầu hết là trẻ em, tử vong vì sốt xuất huyết mỗi năm.
Theo HOÀNG TRANG (Báo Tin Tức)