Bao la tình thương cha mẹ

07/06/2018 - 07:34

 - Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, mang trong mình căn bệnh ung thư ruột quái ác nhưng chị Nguyễn Thị Tấm (ngụ ấp Hòa Thuận, xã Hòa Bình Thạnh, Châu Thành) vẫn cố gắng cùng chồng bươn chải, làm đủ thứ nghề để lo 2 con ăn học…

Sinh năm 1978 nhưng nhìn chị Tấm già dặn hơn so với cái tuổi tứ tuần. Có lẽ bệnh tật cùng sự nặng nhọc của công việc đã bào mòn sức khỏe lẫn nhan sắc của chị. Chị Tấm có 2 người con gái là Nguyễn Thị Kim Phượng (24 tuổi) và Nguyễn Thị Cẩm Tiên (22 tuổi). Cả 2 là niềm tự hào của gia đình, khi đều là con ngoan, trò giỏi. Con gái lớn Kim Phượng đã tốt nghiệp đại học và đi làm hơn 7 tháng. Con gái út Cẩm Tiên, hiện là sinh viên năm 2 chuyên ngành công nghệ hóa học (Trường Đại học Cần Thơ). Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên khi lấy nhau cả 2 đã xác định con đường chông gai đang chờ phía trước. Không có đất sản xuất, không nghề nghiệp nên vợ, chồng phải làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày.

Chị Nguyễn Thị Tấm

Để lo cái ăn, cái mặc cho gia đình và chi phí học tập cho các con, vợ chồng chị đã làm bất cứ nghề gì để kiếm tiền miễn là không vi phạm pháp luật. Chị Tấm đi cắt lúa, cấy lúa, bắt ốc... còn chồng chị thì ai thuê gì làm nấy. Chị Tấm cho biết, khi quyết định có con, vợ chồng chị xác định phải cố làm để lo cho con ăn học thành tài, dù có cực khổ đến mấy. “Nhiều khi đi làm vất vả, về nhà mệt nhoài, đau nhức cả người nhưng trước mặt con, vợ chồng tôi không than nửa lời. Dù cực khổ đến đâu, vất vả như thế nào vợ, chồng tôi cố lo cho 2 con được học đến nơi đến chốn. Vì chỉ có học, sau này có nghề nghiệp ổn định thì mới thoát nghèo, cuộc sống sẽ không còn vất vả như tụi tui nữa…”.

Thương cha, mẹ vất vả, 2 người con gái của chị Tấm đều học giỏi, chăm ngoan, được thầy, cô khen ngợi, bạn bè quý trọng, hàng xóm thương yêu. Tuy nhiên, chút nữa con đường học hành của 2 chị em Kim Phượng và Cẩm Tiên phải gãy gánh giữa chừng khi chị Tấm bị ung thư ruột cách đây 2 năm. “Trong lúc cấy lúa, tôi bị đau bụng dữ dội kéo dài cả tuần. Cứ tưởng bệnh không quá nghiêm trọng, uống thuốc sẽ hết nhưng khi bác sĩ thông báo tôi bị ung thư ruột giai đoạn đầu cần phải điều trị sớm, tôi như chết lặng. Tiền đâu mà chữa bệnh, chắc chết nhưng nhớ đến tụi nhỏ tôi phải nén đau mà sống. Nhờ được chính quyền địa phương và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ, tôi mới có tiền chữa bệnh, sống đến ngày nay” - chị Tấm chia sẻ.

Từ lúc bệnh đến nay, chị không còn làm nặng được nữa mà ở nhà bán tạp hóa nhỏ kiếm thêm thu nhập. Chồng chị thì đi theo đội máy gặt đập liên hợp để kiếm tiền, lo cho gia đình. Cô con gái lớn cũng đã đi làm phụ tiếp tiền thuốc cho mẹ và lo phần nào chi phí học tập của em. Thấu hiểu được cuộc sống vất vả của gia đình nên Cẩm Tiên vừa đi học, vừa đi làm. “Tiên nó tiết kiệm lắm, học xa nhà nhưng mỗi tháng chỉ xin 500.000 đồng để đóng tiền trọ, còn tiền ăn thì nó làm thêm tự trang trải. Gia đình chỉ nặng lo phần học phí hàng năm của con”. Dù bị bệnh nhưng thấy chồng, con đi làm vất vả, chị định đi cấy lúa trở lại nhưng không biết có còn đủ sức không. “Giờ tôi chỉ cầu mong bệnh tình đừng tái phát để tôi có đủ sức khỏe lo cho Tiên ra trường. Hai đứa con có việc làm ổn định là tôi vui lắm rồi”- chị Tấm tâm sự.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Bình Thạnh Nguyễn Thị Thanh Tuyền cho biết: chị Nguyễn Thị Tấm là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Hòa Thuận. Mặc dù gia đình rất khó khăn, bản thân lại bị bệnh ung thư nhưng chị vẫn sống lạc quan, tích cực tham gia công tác hội. Là hộ nghèo trong xã nhưng vợ, chồng chị Tấm vẫn cố gắng nuôi con ăn học thành tài. Điều đó thật đáng trân trọng…

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU