Bảo tồn đa dạng sinh học Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến

11/04/2023 - 05:35

 - Xác định bảo tồn đa dạng sinh học là giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu những năm qua, tỉnh An Giang đã chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và phát huy bền vững giá trị mà các hệ sinh thái tiêu biểu mang lại. Trong đó có việc bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến.

Các nhà khoa học, nghiên cứu tham quan Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến

Đa dạng sinh học

Rừng tràm Tân Tuyến (xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn) là khu rừng đặc dụng với diện tích hơn 256ha. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công văn 1545/TTg-NN đồng ý xác lập rừng tràm Tân Tuyến là Khu bảo vệ cảnh quan và bổ sung vào quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ngày 2/3/2020, UBND tỉnh An Giang đã ra Quyết định 418/QĐ-UBND phê duyệt thành lập Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến.

Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến có các cảnh quan tiêu biểu của vùng Tứ giác Long Xuyên, gồm: Các trảng cỏ ngập nước theo mùa; các kênh, rạch; đầm lầy và hệ sinh thái rừng tràm. Nơi đây còn có 7 quần xã thực vật ưu thế là tràm, sen, súng, năng ống, cỏ ống, mồm móc, sậy, tạo nên một hệ sinh thái đa dạng, phong phú.

Tại Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến đã ghi nhận 154 loài thực vật, thuộc 122 chi, 52 họ của 2 ngành thực vật bậc cao có mạch là ngành dương xỉ (Polypodiophyta) và ngọc lan (Magnoliophyta). Trong số các loài được tìm thấy có tới 115 loài có giá trị sử dụng (làm thuốc, thực phẩm, làm cảnh, cho gỗ, gia dụng). Ngoài ra, còn có loài cà na (Elaeocarpus hygrophilus) được xếp vào danh mục các loài thực vật cần được bảo tồn ở thứ hạng sẽ nguy cấp, theo “Sách Đỏ Việt Nam” (năm 2007).

Tại đây, còn phát hiện 63 loài chim, chủ yếu thuộc nhóm chim bụi và những loài có khả năng thích nghi ở nhiều sinh cảnh khác nhau, như: Chim khách, cu gáy, bìm bịp lớn, cò bợ... Trong số các loài chim được ghi nhận, có loài sẻ đồng ngực vàng (Emberiza aureola) là loài rất nguy cấp quy mô toàn cầu.

Ngoài ra, còn ghi nhận 82 loài cá, thuộc 26 họ, 9 bộ. Chiếm ưu thế nhất là bộ cá chép, với 34 loài. Trong các loài cá, có 2 loài thuộc danh mục quý hiếm trong “Sách Đỏ Việt Nam” (năm 2007) và "Sách Đỏ IUCN" (năm 2014) là loài cá hô (Catlocarpio siamensis) và cá trà sóc (Probarbus jullieni).

Đẩy mạnh quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học

Nhằm thực hiện tốt công tác khai thác, quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến, thời gian qua, Ban Quản lý Rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh đã thực hiện tốt công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, quản lý bảo tồn đa dạng sinh học bằng cách kiểm soát và điều tiết nguồn nước.

Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ và đặc dụng Thái Văn Nhân cho biết, năm 2021, UBND tỉnh đã giao đơn vị trồng rừng thay thế với diện tích 49ha. Đầu năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trồng 5ha tràm nội, thuộc chương trình “Sống khỏe, góp xanh cùng Panasonic”.

Ban Quản lý Rừng phòng hộ và đặc dụng còn lồng ghép tuyên truyền nâng cao nhận thức của các hộ dân để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến rừng. Thực hiện cứu hộ động vật hoang dã, thả động vật về môi trường tự nhiên để tiếp tục sống và duy trì nòi giống…

Theo Ban Quản lý Rừng phòng hộ và đặc dụng, việc quản lý, bảo vệ đa dạng sinh thái Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do sự đe dọa của lửa trong mùa khô và sự xâm phạm của con người từ bên ngoài. Cơ sở hạ tầng tại khu rừng tràm hiện đang xuống cấp; các kênh, mương đã lâu không được nạo vét nên lắng đọng và bồi lấp. Một số vị trí đê bao xung quanh khu rừng chưa thông suốt, ảnh hưởng lớn đến quản lý điều tiết nước, rửa phèn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cũng như công tác phòng, chống cháy rừng mùa khô.

Bên cạnh đó, tình trạng người dân vào các kênh, rạch xung quanh và trong khu rừng tràm để đánh bắt thủy sản tự nhiên trong mùa nước nổi còn nhiều, dẫn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp khó khăn. Ảnh hưởng biến đổi khí hậu đã tác động trực tiếp công tác bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt trong mùa khô, gây ra khô hạn, kênh, rạch bị phèn, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Ngoài ra, do lực lượng bảo vệ rừng còn thiếu, gây khó khăn cho công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Thời gian tới, Ban Quản lý Rừng phòng hộ và đặc dụng sẽ xây dựng và triển khai các phương án bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, tăng cường tuần tra, giám sát các loài thực vật, động vật rừng có giá trị bảo tồn cao. Tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, triển khai thực hiện Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng tại Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến…

ĐỨC TOÀN