Bảo tồn đình làng - hồn văn hóa cộng đồng

23/03/2020 - 07:04

 - Đình là nơi gắn với lễ hội, nơi vui chơi sau những ngày lao động vất vả của người dân, trở thành “ngôi nhà chung” kết nối những người cùng tộc họ, quê quán, góp phần tăng thêm tính đoàn kết của các mối quan hệ cộng đồng. Việc trùng tu, sửa chữa các di tích đình làng đã được nhân dân đồng thuận vì mục đích giữ gìn giá trị văn hóa, lịch sử của tiền nhân để lại, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, khai thác tốt tiềm năng để phát triển du lịch của địa phương.

Bảo tồn đình làng - hồn văn hóa cộng đồng

Kiến trúc đậm nét văn hóa thôn làng và những giá trị độc đáo bên trong các ngôi đình thần

Bảo tồn đình làng - hồn văn hóa cộng đồng

Lễ kỳ yên ở đình thần Phú Mỹ

Bảo tồn đình làng - hồn văn hóa cộng đồng

Trải qua sự biến chuyển của thời gian, rất nhiều ngôi đình hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng: mái ngói hư dột nát, cột gỗ bị mối mọt, nền gạch sụt lún, ngập nước, tường bong tróc và nứt đổ…

Là một trong những địa phương được tỉnh hỗ trợ kinh phí trùng tu, sửa chữa đình, đến nay, huyện Phú Tân (An Giang) đã hoàn thành tiến độ với 4 ngôi đình, tổng trị giá trên 5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ mỗi ngôi đình 1 tỷ đồng, phần còn lại do địa phương vận động nhân dân và nhà hảo tâm từ nhiều nơi đóng góp.

Sau 100 năm hình thành và xuống cấp nghiêm trọng, mới đây đình thần Hiệp Xương đã được trùng tu, sửa chữa khang trang. Đáng ghi nhận, ngoài sự hỗ trợ của UBND tỉnh, quá trình trùng tu, sửa chữa đình còn tiếp nhận sự đóng góp đáng kể từ bà con nhân dân. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân, thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh.

Ông Nguyễn Văn Bé (Phó Trưởng ban Quý tế đình thần Hiệp Xương) chia sẻ: “Bà con nhân dân trong xã rất mừng vì được sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc trùng tu, tôn tạo đình, tạo điều kiện cho người dân đến chiêm ngưỡng, cúng bái”.

Đình thần Phú Lâm tọa lạc tại thị trấn Chợ Vàm (Phú Tân) hình thành cách nay khoảng 200 năm và hiện vẫn là nơi gần gũi, gắn bó không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng, thể hiện rõ nhất là vào các ngày lễ hội cúng đình, bà con nhân dân tề tựu về đông vui tấp nập.

Đình được thiết kế theo cá tính, nếp sinh hoạt của người Nam Bộ, các mặt đều đơn giản, thoáng mát, rộng rãi, đình không thiết kế vách ngăn nên sáng sủa, tăng thêm tinh thần gần gũi, thân mật giữa dân làng.

Đình tôn thờ vị tướng thời triều Tự Đức, có tinh thần yêu nước cao độ. Ông Lâm Văn Mi (Trưởng ban quý tế đình thần Phú Lâm, thị trấn Chợ Vàm) cho biết, UBND thị trấn rất quan tâm giữ gìn, tôn tạo, ngôi đình từ tre lá đến bây giờ được khang trang nên người dân rất phấn khởi. Năm 2017, đình thần Phú Lâm được trùng tu, tôn tạo lại các hạng mục, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nhân dân duy trì văn hóa tín ngưỡng trong cộng đồng.

Giai đoạn 2017-2020, huyện Phú Tân có 6 đình thần được hỗ trợ kinh phí tôn tạo gồm: Hiệp Xương, Phú Lâm, Hòa Lạc, Phú An, Phú Hưng và Phú Mỹ. Việc tôn tạo nhằm bảo tồn kiến trúc văn hóa xưa, không vì yêu cầu sửa chữa mà tùy tiện thay đổi kiến trúc, kết cấu nội thất bên trong.

Để thực hiện kế hoạch này, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tập trung huy động các nguồn lực để hỗ trợ các địa phương trùng tu, tôn tạo đúng theo tiến độ.

Đồng thời, huyện triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích đình làng của huyện, tạo mọi điều kiện để người dân duy trì và lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Việc sinh hoạt tín ngưỡng đảm bảo lành mạnh, ý nghĩa, đúng theo quy định, gắn với các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương, bài trừ mê tín dị đoan, các hủ tục, khuyến khích người dân sinh hoạt đời sống tinh thần văn minh, tiến bộ.

Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Tân Phạm Hoàng Vũ cho biết, công tác trùng tu, tôn tạo các di tích đình làng là một phần trong công tác bảo tồn di tích, đồng thời góp phần nghiên cứu, giữ gìn phát huy các giá trị của lịch sử.

Chính vì vậy, người dân rất đồng tình ủng hộ tiền và ngày công thực hiện, tôn tạo các ngôi đình làng. Đã bao thế kỷ trôi qua, nhưng dấu ấn văn hóa, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng làng xã xưa vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống của người dân hôm nay qua những di tích đình làng.

Điều đáng mừng là, dù cuộc sống hiện đại, người dân vẫn giữ gìn những cốt lõi trong văn hóa tín ngưỡng, giữ gìn các mỹ tục, sống hướng thiện, chan hòa vì cộng đồng.

Không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc dân gian, mỗi ngôi đình còn là kho tàng chứa đựng nét văn hóa dân tộc, nơi quy tụ, gắn kết cộng đồng. Trong xã hội phát triển hiện nay, đình làng thực sự là di sản vô cùng quý giá, góp phần giữ hình ảnh cổ kính và là minh chứng sống động của lịch sử, của cội nguồn mỗi người.

MỸ HẠNH