Chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa to lớn
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội lớn, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng Tây Nam Bộ diễn ra từ ngày 22 - 27/4 (âm lịch) hàng năm, tại phường Núi Sam (TP. Châu Đốc). Trong tín ngưỡng của người Kinh, Bà Chúa Xứ nằm trong hệ thống Thánh Mẫu, được tôn thờ trong điện thần và tổ chức các thực hành liên quan như lễ hội, tế lễ và các hình thức diễn xướng dân gian khác.
Theo truyền thuyết, Bà Chúa Xứ là người được Ngọc Hoàng sai xuống cứu dân độ thế, canh giữ bờ cõi. Bà cũng là một trong 6 nữ thần bất tử theo tín ngưỡng dân gian (Bà Chúa Bầu, Bà Chúa Liễu, Bà Chúa Tó, Bà Chúa Kho, Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Xứ).
Lễ hội thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với người Hoa, Khmer, Chăm. Lễ hội tôn vinh Bà Chúa Xứ là dịp người dân thể hiện tâm thức “uống nước nhớ nguồn”, sự tri ân, tôn kính đối với Bà.
Theo thời gian, việc tôn thờ, đi viếng Bà không chỉ có người dân TP. Châu Đốc, vùng Tây Nam Bộ, mà người dân khắp mọi miền đất nước. Bên cạnh phần lễ, địa phương còn tổ chức phần hội và các hoạt động văn hóa - thể thao, trò chơi, diễn xướng dân gian nhằm phục vụ và đáp ứng nhu cầu của du khách.
Khai hội Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam
Năm 2014, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay, Lễ hội Vía Bà được Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Qua đó, có thể thấy Lễ hội Vía Bà chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa hết sức to lớn và đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng An Giang nói riêng và Việt Nam nói chung.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng của việc phải bảo vệ di sản, sau khi được ghi danh, Đảng bộ và chính quyền An Giang quan tâm lãnh, chỉ đạo công tác gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, một trong những động lực tạo nên bản sắc và sức mạnh nội sinh trong quá trình phát triển của tỉnh”.
Theo đó, các ngành chức năng tham mưu nhiều biện pháp và hoạt động, như: Xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, đào tạo các lớp nghệ nhân trẻ kế cận thực hành nghi lễ. Các nghi lễ truyền thống được thực hiện theo phong tục tập quán cổ truyền của địa phương, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo tính trang nghiêm.
Các hoạt động phần hội được tổ chức phong phú, sôi nổi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí ngày càng cao của Nhân dân và du khách. Công tác tuyên truyền, quảng bá lan tỏa hình ảnh, ý nghĩa của lễ hội được chú trọng. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường văn hóa, văn minh trong lễ hội, phát huy vai trò chủ thể của người dân.
Góp phần phát triển du lịch
Ngoài những hoạt động lễ hội, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam còn được quan tâm nghiên cứu để làm rõ giá trị và tầm quan trọng trong đời sống cư dân Nam Bộ và cả nước. Đến nay, có 2 hội thảo trong nước và quốc tế về Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam.
Năm 2023, tại Diễn đàn giao lưu kinh tế và văn hóa Việt Nam - Ấn Độ, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được vinh danh là “Hoạt động văn hóa tiêu biểu Châu Á - Thái Bình Dương” vì có những đóng góp tích cực cho sự phát triển ngành du lịch Việt Nam, góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa Việt Nam, đóng góp vào thành công chung của diễn đàn.
Sự ghi nhận của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cùng Hội đồng Thương mại và Công nghệ Toàn cầu Ấn Độ là dấu mốc quan trọng trong tiến trình đưa Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ phục hiện rước Bà Chúa Xứ Núi Sam về miếu
Sau 10 năm Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bên cạnh việc nâng cao lòng tự hào, ý thức của cộng đồng trong việc gìn giữ bảo vệ tốt lễ hội, còn góp phần nâng tầm giá trị, vừa tăng sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch, vừa hình thành các sản phẩm văn hóa, du lịch từ di sản, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Sự trân trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản, còn là nhịp cầu gắn kết văn hóa giữa An Giang và các tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần quảng bá mạnh mẽ giá trị hình ảnh, vùng đất, con người An Giang đến với Nhân dân trong cả nước
“Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được công nhận đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vinh dự, tự hào. Đồng thời, cũng đặt ra trách nhiệm to lớn cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Giang trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thời gian tới, An Giang chủ động, tích cực hơn trong việc bảo tồn, giữ gìn phát huy giá trị di sản nhằm quảng bá mạnh mẽ giá trị hình ảnh văn hóa, con người An Giang đến với Nhân dân trong và ngoài nước để các giá trị di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam mãi được giữ gìn, trao truyền cho thế hệ hôm nay và mai sau, mãi trường tồn và phát triển cùng dân tộc” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước chia sẻ.
THU THẢO