Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

06/09/2021 - 06:28

 - Thời gian qua, các di tích văn hóa, lịch sử, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm tôn tạo và phát huy giá trị, hấp dẫn du khách đến tham quan, nghiên cứu. Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa được quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Di sản văn hóa tạo nên bản sắc riêng của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc là tiếng nói, chữ viết, lễ hội, kiến trúc, trang phục… Giá trị văn hóa do các cộng đồng dân tộc thiểu số sáng tạo ra trong quá trình sinh tồn, phát triển, là những yếu tố làm nên giá trị đặc sắc của mỗi cộng đồng.

Các địa phương từng bước nhận thức được giá trị của việc bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa các dân tộc; tiến hành phục dựng nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc, lập hồ sơ, trình nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhiều cuốn sách về bảo tồn văn hóa các dân tộc được nghiên cứu, xuất bản, lưu giữ… góp phần bảo tồn, gìn giữ phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Những tháng đầu năm 2021, khi dịch bệnh COVID-19 chưa diễn biến phức tạp, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan tổ chức nhiều sự kiện: lễ tưởng niệm 41 năm ngày mất Chủ tịch Tôn Đức Thắng (14-2 âm lịch); lễ công bố quyết định của Bộ VH-TT&DL công nhận Lễ hội Kỳ yên đình Thoại Ngọc Hầu (huyện Thoại Sơn) là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia; tham dự ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2021 tại thủ đô Hà Nội.

Bảo tàng tỉnh và Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng mở cửa thường xuyên, phục vụ tốt nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách trong và ngoài nước. Bảo tàng tỉnh đón tiếp 6.453 lượt khách tham quan; Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng đón tiếp 24.812 lượt khách. Trong quá trình đón tiếp khách tham quan, các đơn vị triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch COVID-19, đội ngũ nhân sự (nhất là đội ngũ thuyết minh và bảo vệ) đeo khẩu trang thường xuyên; sử dụng loa thông báo tuyên truyền phòng, chống dịch, hướng dẫn khách tham quan rửa tay và đeo khẩu trang khi tham quan.

Công tác bảo tồn di sản văn hóa, quản lý và tổ chức lễ hội, bảo vệ di sản, trùng tu tôn tạo di tích của tỉnh được chú trọng và triển khai tích cực

Bảo tàng tỉnh mở cửa phòng trưng bày 5 bảo vật quốc gia thuộc đơn vị (được công nhận từ năm 2018 - 2020); tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bộ Linga - Yoni Linh Sơn là bảo vật quốc gia. Xây dựng hồ sơ khoa học “Địa điểm chiến thắng cầu sắt Vĩnh Thông (huyện Tri Tôn)” đề nghị xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Khảo sát di tích miếu Bà (huyện Thoại Sơn) và dinh Đức Quản cơ Trần Văn Thành (huyện Phú Tân) về việc đề nghị xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Phối hợp Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức tọa đàm khoa học “Thoại Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thoại với những dấu ấn văn hóa - lịch sử để lại trên vùng đất Thoại Sơn” tại huyện Thoại Sơn.

Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang Nguyễn Khánh Hiệp, những tháng đầu năm 2021, công tác bảo tồn di sản văn hóa, quản lý và tổ chức lễ hội, bảo vệ di sản, trùng tu tôn tạo di tích của tỉnh được chú trọng và triển khai tích cực, nhất là việc xây dựng hồ sơ khoa học xếp hạng di tích và công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong tỉnh. Ý thức bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong quần chúng nhân dân được nâng lên rõ rệt. Các lễ hội văn hóa được bảo tồn, từng bước nâng chất theo hướng gạt bỏ nghi lễ, nghi thức không còn phù hợp với đời sống hiện đại, đồng thời đưa vào nội dung mới, thiết thực làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân.

Phát huy kết quả đạt được, những tháng cuối năm 2021, ngành VH-TT&DL tỉnh tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, loại hình văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Tập trung xây dựng, hoàn chỉnh hồ sơ khoa học bảo tồn nghề dệt thổ cẩm Chăm An Giang đề nghị Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hồ sơ khoa học đề nghị công nhận bảo vật quốc gia cho 1 hiện vật thuộc quyền quản lý, sở hữu của Bảo tàng tỉnh.

Cùng với những chính sách về bảo tồn, các địa phương xây dựng, lên kế hoạch tổ chức lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng, thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài, ưu đãi người có uy tín, ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng, nghệ nhân… để nâng cao hơn nữa việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

THU THẢO