Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh trình bày ý kiến phát biểu thảo luận tại hội trường
Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 2 quy định: Đô thị “là nơi tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động...”, đề xuất thay cụm từ "có mật độ cao" bằng cụm từ “thành phố, thị xã, thị trấn, đô thị mới”, bởi quy định “có mật độ cao” là chưa lượng hóa được số lượng người dân đang sinh sống. Còn tại Khoản 10, Điều 6 quy định: “thời hạn quy hoạch chung đô thị và nông thôn được phân kỳ theo các giai đoạn phù hợp với thời kỳ quy hoạch theo quy định của luật quy hoạch”, cơ quan soạn thảo cần rà soát và làm rõ nội dung này theo Luật Quy hoạch năm 2017 hay theo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, để khi luật được thông qua sẽ tránh sự chồng chéo trong triển khai thực hiện.
Tại Khoản 4, Điều 11 quy định: “cơ quan, tổ chức lập quy hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch quyết định việc tiếp nhận và quản lý, sử dụng nguồn lực hỗ trợ hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn của tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài…”, có thể nói, đây là nguồn lực rất cần thiết cho công tác lập quy hoạch. Tuy nhiên, để thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến công tác quy hoạch, nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết về cách thức tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ để đảm bảo tính thống nhất, đồng thời không vi phạm hành vi bị cấm của luật này.
Tại Điểm c, Khoản 1, Điều 23 quy định: “quy hoạch phân khu đô thị phải được hoàn thành việc lập, phê duyệt trong thời hạn 6 tháng kể từ khi quy hoạch chung được phê duyệt”, trên thực tế quy định này rất khó, vì thời gian lập đề cương nhiệm vụ, đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn, lập đồ án quy hoạch… phải thực hiện theo Luật Đấu thầu, quá trình đó còn phải đưa ra hội đồng góp ý, trong khi nguồn lực ở địa phương có hạn, nếu khối lượng phân khu quá lớn thì không thể lập đồng bộ và theo đúng thời hạn quy định. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định thêm thời gian nhằm thực hiện tốt hơn công tác quy hoạch phân khu.
Tại Điều 51, đề xuất cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định cắm mốc tại điều này, bởi vì quy hoạch hiện nay đang được quản lý số hóa, không cần thiết phải cắm mốc trên hiện trường. Ngoài ra, việc cắm mốc theo quy hoạch được duyệt trên thực tế còn phụ thuộc vào sự đồng thuận của người dân và địa hình thực trạng, làm phát sinh chi phí khảo sát, đo đạc, xây dựng mốc… gây lãng phí ngân sách. Ngoài ra, việc bảo vệ môi trường, dự báo được các nguồn gây ô nhiễm, giải pháp khắc phục trong quá trình tổ chức, thực hiện quy hoạch chưa được chú trọng trong dự thảo luật. Do đó, đề xuất cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm các “điều” hoặc “chương” quy định các nội dung về công tác bảo vệ môi trường khi thực hiện các quy hoạch tại luật này...
N.A