Ứng trực 24/24 giờ
Từ khi ký kết hợp tác với tỉnh về việc bảo vệ, khai thác rừng tràm Nhơn Hưng (Tịnh Biên, An Giang), Công ty TNHH MTV Thành Đô An Giang đã tích cực triển khai quy hoạch, trồng rừng, xây dựng hệ thống thủy lợi, hạ tầng giao thông… Trên diện tích rừng rộng gần 160ha, những mảng rừng tràm lâu năm, rừng trồng đang phát triển xanh tốt.
Ông Phạm Thanh Tùng, Chỉ huy trưởng Công trình Thành Đô An Giang cho biết, với hệ thống kênh mương được nạo vét thông suốt, đơn vị quản lý rừng có thể cơ động phương tiện, con người đến các điểm rừng chỉ trong thời gian ngắn. “Chúng tôi đã bố trí 16 người tham gia bảo vệ, chăm sóc rừng, trong đó có 2 bảo vệ ứng trực 24/24 giờ, không cho người dân vào rừng đánh bắt cá, đốt tổ ong lấy mật. Tại đây đã trang bị được 3 vỏ lãi, 2 máy chữa cháy rừng” - ông Tùng thông tin.
Dù đánh giá cao nỗ lực bảo vệ, chăm sóc rừng tràm Nhơn Hưng nhưng với kinh nghiệm phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đồng bằng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang Trần Phú Hòa cho rằng, để phục vụ gần 160ha rừng, 2 máy CC là chưa đáp ứng yêu cầu. “Đối với rừng đồng bằng, máy CC phao mới phát huy hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, đơn vị cần bố trí 4 tháp canh ở 4 góc rừng để dễ quan sát, phát hiện các sự cố rừng từ xa” - ông Hòa chia sẻ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Trần Anh Thư giải thích thêm: “Ưu điểm của máy CC phao là cơ động, chỉ cần thả xuống mặt nước là hoạt động ngay. Kinh nghiệm CCR tràm Tân Tuyến (Tri Tôn) năm 2017 cho thấy, máy phao có thể luồn sâu vào rừng, đặt xuống các mương nước nhỏ, xử lý rất tốt những điểm cháy mà các phương tiện khác khó thực hiện được”.
Đốt chủ động để bảo vệ rừng
Theo ghi nhận của Chi cục Kiểm lâm An Giang, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh mới xảy ra 1 vụ cháy rừng tại đồi 1, núi Phú Cường (thị trấn Tịnh Biên, Tịnh Biên) với diện tích cháy 200m2 (chủ yếu là cháy lá khô mục, không gây thiệt hại đến rừng).
Ngày 17-4, đoàn công tác của tỉnh đã đến kiểm tra công tác bảo vệ, PCCCR tại khu vực này, đoàn đã kiểm tra các máy CC đeo vai, máy bơm (phù hợp rừng đồi núi), khảo sát hiện trạng các cống thoát nước lũ núi, các bồn chứa nước do tỉnh đầu tư, trang bị.
Năm 2017, trong số 2 vụ cháy rừng mùa khô, vụ cháy tại rừng tràm Tân Tuyến (rừng tràm Viễn Thông cũ) là nghiêm trọng nhất bởi diện tích cháy rộng (111,67ha), gây thiệt hại 34,37ha rừng tràm tái sinh (sau khai thác 1 năm tuổi), diện tích còn lại là cỏ năng ống và mai dương.
So với các rừng đồng bằng khác như: Bình Minh (Tri Tôn, An Giang), Trà Sư, Nhơn Hưng (Tịnh Biên), Vĩnh Châu (TP. Châu Đốc, An Giang), rừng tràm Tân Tuyến giữ vai trò rất quan trọng bởi bên cạnh diện tích lớn, khu vực này còn tiếp giáp với Lâm trường Tỉnh đội - nơi giữ vai trò “lá phổi xanh” vùng giáp ranh An Giang - Kiên Giang. Do vậy, công tác bảo vệ cả 2 cánh rừng đều được tập trung tối đa.
Ban Quản lý Lâm trường Tỉnh đội An Giang đang thực hiện bơm nước liên tục vào các tuyến kênh trong khu vực rừng để duy trì mực nước an toàn, đồng thời nạo vét các tuyến kênh bị bồi lấp để dẫn nước vào trong. Qua kiểm tra thực tế của đoàn công tác tỉnh, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ CC đều được tập kết sẵn sàng, việc trực gác trên các chồi canh được duy trì 24/24 giờ.
Đối với rừng tràm Tân Tuyến, Chi cục Kiểm lâm đang thực hiện nạo vét tuyến kênh mới, xây dựng chốt trực ngay giữa vùng trọng điểm cháy. Ông Trần Phú Hòa cho biết, trước thời gian lễ giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch), lễ 30-4 và 1-5, các lực lượng sẽ phối hợp đốt chủ động, tạo đường băng cản lửa để bảo vệ an toàn các cánh rừng đồng bằng trong cao điểm mùa khô.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN