Toàn cảnh vòng hòa đàm về Syria ở Vienna, Áo ngày 25-1. Ảnh: AFP/TTXVN
Các vòng hòa đàm do LHQ bảo trợ trước đó, thường diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ), đạt được ít tiến triển sau khi các lực lượng Chính phủ Syria do Nga và Iran hậu thuẫn liên tiếp giành được chiến thắng trên thực địa và giải phóng nhiều khu vực của đất nước từ tay các nhóm khủng bố và phiến quân.
Vòng đối thoại mới sẽ kéo dài 2 ngày nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến bản hiến pháp mới, sau khi các vòng hòa đàm trước đã thảo luận về các cuộc bầu cử mới, cải tổ bộ máy quản lý và cuộc chiến chống khủng bố. Đặc phái viên của LHQ về Syria Staffan de Mistura cho biết "đây là một thời điểm rất then chốt" và bày tỏ hy vọng vòng hòa đàm này sẽ đạt đột phá.
Trong khi đó, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã tổ chức 8 cuộc đàm phán về Syria tại Astana (Kazakhstan) trong năm 2017 và đã đạt nhiều kết quả khả quan, như nhất trí về các vùng "giảm xung đột" ở miền Tây Syria, nơi cả 3 nước này có ảnh hưởng khá lớn. Đại hội Đối thoại dân tộc Syria ở Sochi dự kiến diễn ra tại trong 2 ngày 29 và 30-1 tới.
Hiện Nga đã bắt đầu mời các cường quốc và các nước lớn ở khu vực tới dự. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ tin tưởng tất cả các bên ở Syria có thể đạt được sự hiểu biết, cũng như nhận thức chung về tiến trình cải cách hiến pháp và các cuộc bầu cử do Liên hợp quốc (LHQ) giám sát, nếu họ cam kết tuân thủ Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBALHQ).
Đặc phái viên Mistura đã công nhận tính hợp pháp của Đại hội Đối thoại dân tộc Syria ở Sochi, nhưng vẫn chưa quyết định có phát biểu tại cuộc gặp này không. Phương Tây và một số nước Arab cho rằng sáng kiến của Moskva sẽ đặt nền móng cho một giải pháp có lợi hơn cho Chính phủ Syria và các đồng minh.
Phe đối lập Syria hiện chưa quyết định có tham gia Đại hội Đối thoại dân tộc Syria tại Sochi hay không, nhưng trưởng đoàn đàm phán của phe đối lập Nasr Hariri đánh giá cuộc đàm phán tới sẽ là "phép thử cho cam kết của tất cả các bên" đối với một giải pháp chính trị hơn là giải pháp quân sự.
Theo thống kê, cuộc xung đột kéo dài gần 7 năm qua ở Syria đã cướp đi hơn 340.000 sinh mạng, buộc 7 triệu người phải đi sơ tán ở trong nước và 5,3 triệu người di tản sang nhiều nước khác. Trong khi đó, 10 triệu người khác đang phải sống trong cảnh rất khó khăn và nguy hiểm.
Theo Báo Tin Tức