Bị cáo Đinh Ngọc Hệ, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) tại phòng xét xử. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Phiên tòa xét xử bắt đầu từ 7 giờ 30 phút ngày 30-7. Dự kiến diễn ra đến hết ngày 31-7.
Sáng 30-7, Hội đồng xét xử của Tòa quân sự đã làm các thủ tục tố tụng, kiểm tra căn cước cá nhân và tiến hành xét hỏi các bị cáo, người làm chứng.
Trong vụ án này, bị cáo Đinh Ngọc Hệ (trước khi phạm tội là Thượng tá, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng) bị truy tố và đưa ra xét xử về 2 tội danh: “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo quy định tại khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức,” theo quy định tại điểm b khoản 2, Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015.
3 đồng phạm khác cùng bị đưa ra xét xử về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm Trần Xuân Sơn (sinh năm 1986, nguyên Giám đốc Chi nhánh tại Bình Dương của Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng); Trần Văn Lâm (sinh năm 1977, nguyên Tổng Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng); Bùi Văn Tiệp (sinh năm 1957, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không-Không quân, đã nghỉ hưu).
Riêng Phùng Danh Thắm bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 1 Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999. Phùng Danh Thắm, sinh năm 1965, trước khi phạm tội là Đại tá, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương, Đinh Ngọc Hệ là người có vai trò khởi xướng và chỉ đạo các đồng phạm Trần Văn Lâm, Bùi Văn Tiệp, Trần Xuân Sơn thực hiện các hanh vi phạm tội.
Cụ thể, biết Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng có chủ trương mở rộng thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh; khoảng tháng 7-2009, Đinh Ngọc Hệ lúc đó là Phó trưởng phòng kinh doanh Tổng Công ty Thái Sơn đã trao đổi với Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư để đề nghị Ban Tổng Giám đốc cho thành lập pháp nhân mới.
Pháp nhân mới là doanh nghiệp cổ phần do Tổng Công ty Thái Sơn và một số cá nhân góp vốn thành lập, theo mô hình công ty mẹ-con.
Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho pháp nhân mới là Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn.
Công ty có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, trong đó Tổng Công ty Thái Sơn góp 51% cổ phần, tương đương 10,2 tỷ đồng nhưng cho các cổ đông nợ; khi công ty cổ phần kinh doanh có lãi thì dùng lợi nhuận được chia để góp vốn.
Trong số các cổ đông, có 2 người là cháu ruột của Đinh Ngọc Hệ góp 49% cổ phần, tương đương 9,8 tỷ đồng.
Đến tháng 9-2011, Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn đổi tên thành Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng do Đinh Ngọc Hệ là Chủ tịch Hội đồng quản trị; từ tháng 3-2013 đến khi bị bắt, Đinh Ngọc Hệ là người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc công ty.
Mặc dù với danh nghĩa là công ty con của Tổng Công ty Thái Sơn nhưng thực chất vốn kinh doanh của Công ty con là của cá nhân; mọi hoạt động đều theo sự quản lý, điều hành trực tiếp của Đinh Ngọc Hệ.
Khi Tổng công ty đã rút 31% vốn nhưng phía công ty con vẫn lấy danh nghĩa là doanh nghiệp Quân đội để hoạt động kinh doanh.
Cáo trạng cũng nêu rõ, trong thời gian từ năm 2011-2016, lợi dụng danh nghĩa là người đại diện phần vốn góp của Tổng Công ty Thái Sơn tại Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng, đồng thời lợi dụng chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Đinh Ngọc Hệ đã báo cáo không trung thực về hoạt động của công ty, mạo nhận chức năng, nhiệm vụ phục vụ kinh tế quốc phòng để xin được thi công các dự án, công trình trọng điểm quốc gia...
Ngoài ra, Đinh Ngọc Hệ đã chỉ huy cấp dưới ký tờ trình đề nghị xin mua xe bằng vốn tự có, đăng ký biển quân sự và biển xanh 80A; sau đó sử dụng trái pháp luật, gây thất thu tiền thuế trước bạ; chỉ đạo việc tổ chức việc sử dụng xe để thế chấp, cho thuê, giao xe cho những người khác sử dụng trái quy định; hưởng lợi hơn 6 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát quân sự xác định, Việc sử dụng nhiều xe biển quân sự, xe biển xanh 80A không đúng quy định nêu trên đã dẫn đến đơn thư tố cáo, ảnh hưởng đến uy tín của Quân đội; vi phạm quy định của Nhà nước, quy định của Chính phủ, của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về quản lý, sử dụng xe công.
Về các đồng phạm trong vụ án, đại diện Viện Kiểm sát quân sự nhận định: khi lập doanh nghiệp lấy tên là Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng, Đinh Ngọc Hệ đã cử Trần Văn Lâm làm Tổng Giám đốc. Doanh nghiệp này bị Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương kiểm tra, phát hiện có hơn 20.000 lít xăng kém chất lượng.
Ngày 17-7-2014, theo chỉ đạo của Đinh Ngọc Hệ, bị cáo Lâm đã ký công văn gửi UBND tỉnh Bình Dương, mạo nhận là “doanh nghiệp quân đội làm kinh tế đi đôi với nhiệm vụ quốc phòng” để xin không xử phạt.
Bị caó Lâm sau đó cùng Bùi Văn Tiệp và Trần Xuân Sơn làm giả hợp đồng gửi, giữ xăng dầu và các tài liệu nhằm hợp thức số xăng trên là của Sư đoàn 367, không phải xăng bán ra thị trường. Hành vi này bị cho là đã lừa dối các cơ quan chức năng Bình Dương để không bị xử phạt, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước hơn 1,4 tỷ đồng.
Trên cương vị Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Phùng Danh Thắm đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát. Ông Thắm không phát hiện được việc ông Hệ sử dụng nhiều ô tô biển quân sự, biển xanh để thế chấp, cho thuê, giao cho những người ngoài xã hội sử dụng trái quy định. Ông Thắm cũng không biết việc nhóm các bị can trên làm giả hợp đồng, tài liệu, văn bản, mạo nhận số xăng kém chất lượng là của quân đội.
Đủ cơ sở khẳng định Đinh Ngọc Hệ "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ"
Theo cáo trạng, mặc dù Đinh Ngọc Hệ không thừa nhận hành vi phạm tội, tuy nhiên Viện Kiểm sát quân sự căn cứ tài liệu thu thập được trong quá trình điều tra, phù hợp với lời khai của các bị can khác và của các cá nhân, tổ chức có liên quan, đồng thời phù hợp với hồ sơ, tài liệu trong việc đăng ký, quản lý, sử dụng xe biển quân sự, xe biển xanh 80A đã đủ chứng cứ xác định sau khi ký tờ trình, chỉ đạo cấp dưới ký tờ trình đề nghị xin mua xe bằng vốn tự có, đề nghị đăng ký biển xe quân sự, biển xanh 80A và được cấp có thẩm quyền cho mua, đăng ký, Đinh Ngọc Hệ với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, đại diện theo pháp luật của công ty, là người quyết định, chỉ đạo việc sử dụng xe để thế chấp, cho thuê, giao xe cho các đối tượng ngoài xã hội sử dụng trái quy định, trong khi không phải nộp tiền thuế trước bạ đối với xe ô tô hơn 3,1 tỷ đồng, đồng thời hưởng lợi hơn 6 tỷ đồng.
Tài liệu chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, có đủ cơ sở khẳng định Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo cấp dưới lợi dụng danh nghĩa là doanh nghiệp Quân đội làm kinh tế quốc phòng, báo cáo sai sự thật với Ủy ban Nhân dân tỉnh và các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, cấu kết làm giả hợp đồng gửi xăng, hợp thức nguồn gốc xăng dầu kém chất lượng, nhằm tránh bị xử phạt, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước hơn 1,4 tỷ đồng.
Các hành vi trên của Đinh Ngọc Hệ có đủ yếu tố cấu thành tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 với vai trò chủ mưu, chỉ huy, chịu trách nhiệm chính trong vụ án.
Đinh Ngọc Hệ còn mua 1 bảng điểm và 1 bằng tốt nghiệp đại học giả và nhiều lần sử dụng văn bằng, bảng điểm giả để kê khai hồ sơ đảng viên, để được nâng lương, chuyển nhóm lương, bổ nhiệm, phiên, phong quân hàm trái quy định. Hành vi của bị cáo Đinh Ngọc Hệ cấu thành tội "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" quy định tại điểm b khoản 2 Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tiếp tục điều tra giai đoạn tiếp theo của vụ án
Liên quan đến vụ án này, theo đại diện Viện Kiểm sát quân sự, về trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong việc cho Công ty Thái Sơn mua, đăng ký xe biển quân sự, biển xanh 80A trái quy định, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng tiếp tục điều tra, xem xét xử lý trong giai đoạn tiếp theo.
Đối với số cán bộ của Đội kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương, do tin tưởng vào hồ sơ giải trình của doanh nghiệp, tin cửa hàng xăng dầu Thái Sơn là của Quân đội nên không truy xuất nguồn gốc số xăng dầu kém chất lượng là chưa làm đúng, chưa làm hết chức trách, nhiệm vụ được giao dẫn đến không phát hiện được hành vi hợp thức hồ sơ chứng cứ để các đối tượng lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm.
Tuy nhiên kết quả điều tra không phát hiện số cán bộ trên có động cơ vụ lợi, tiêu cực cá nhân; không có dấu hiệu đồng phạm; nguyên nhân dẫn đến sai phạm một phần do tin tưởng đây là doanh nghiệp Quân đội... nên không đủ yếu tố để xử lý hình sự.
Tuy nhiên, Viện Kiểm sát quân sự kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương xử lý nghiêm theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức.
Cũng theo cáo trạng, trong quá trình điều tra, các bị cáo đã tự nguyện khắc phục hậu quả và đề nghị gia đình nộp cho Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng tổng số tiền 1,280 tỷ đồng.
Trong đó: bị cáo Đinh Ngọc Hệ nộp 500 triệu đồng; Trần Xuân Sơn nộp 500 triệu đồng; Bùi Văn Tiệp nộp 250 triệu đồng; Phùng Danh Thắm 20 triệu đồng và Trần Văn Lâm 10 triệu đồng.
Trong phiên tiếp theo, Tòa sẽ tiếp tục phần tranh tụng.
Theo XUÂN TÙNG (TTXVN/VIETNAM+)