Cuộc bầu cử ở Malaysia được tổ chức vào ngày 9-5 để tìm ra Thủ tướng thứ 7 của quốc gia này. Ngày bầu cử cũng được tuyên bố là ngày nghỉ của tất cả các ngân hàng ở Malaysia. Cuộc bầu cử lần này được đánh giá là một trong những cuộc bầu cử có tính cạnh tranh lớn nhất trong lịch sử Malaysia, đồng thời là cuộc bầu cử có số lượng ứng cử viên kỷ lục lên tới 2.333 người.
Cuộc bầu cử ở Malaysia được tổ chức vào ngày 9-5 để tìm ra Thủ tướng thứ 7 của quốc gia này. Ảnh: Reuters.
Hai gương mặt sáng giá
Cuộc bầu cử lần này được cho là cuộc đua song mã giữa đương kim Thủ tướng Malaysia Najib Razak – người đã đảm nhận cương vị này kể từ năm 2009 tới nay với Tiến sĩ Mahathir Mohamad – cựu Thủ tướng Malaysia và cũng chính là người cầm quyền lâu nhất ở nước này [ông Mahathir là Thủ tướng Malaysia từ năm 1981-2003 – ND]. Dù đã 92 tuổi nhưng ông Mahathir vẫn quyết định quay lại chính trường và nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày mai, ông sẽ trở thành nhà lãnh đạo cao tuổi nhất thế giới.
“Cuộc chiến” giữa hai chính trị gia gạo cội này được đánh giá là không hề đơn giản. Ông Najib từng được chính ông Mahathir hậu thuẫn trên con đường chính trị và sau đó trở thành lãnh đạo Malaysia. Tuy nhiên, sau này, khi nói về quyết định hậu thuẫn ông Najib, ông Mahathir lại chua chát nói rằng, đó là “sai lầm lớn nhất trong cuộc đời tôi”.
Sau khi đương kim Thủ tướng Najib vướng vào cáo buộc tham nhũng năm 2015, ông Mahathir đã công khai chống lại ông Najib. Mặc dù đã rời xa chính trường nhưng đầu năm nay, Mahathir quyết định trở lại, gia nhập liên minh đối lập với mục tiêu là để đánh bại ông Najib.
Đương kim Thủ tướng Najib là người đứng đầu đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) – đảng chính trị chính trong liên minh Mặt trận quốc gia cầm quyền (BN). Trong quá khứ, ông Mahathir cũng là một thành viên của UMNO khi ông nắm quyền lần đầu.
Hiện nay, cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad là lãnh đạo đảng Người dân bản địa Malaysia thống nhất (PPBM). Dưới sự chèo lái của ông Mahathir, một chính trị gia lão luyện với 22 năm làm Thủ tướng, PPBM - thành lập tháng 9/2016, ngày càng nổi lên là một lực lượng “đáng gờm” đối với UMNO cũng như liên minh cầm quyền BN nói chung.
Các chuyên gia theo dõi tình hình chính trị tại Malaysia đều có chung nhận định rằng sự xuất hiện của PPBM chắc chắn sẽ dẫn đến việc “chia phiếu bầu” trong số cử tri người Malaysia gốc.
Một đảng khác sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử ngày mai (9/5) là đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS). Dù dường như PAS không có khả năng giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh trực tiếp nhưng nếu như không có chính đảng nào giành được đa số phiếu, PAS sẽ có cơ hội lựa chọn thành lập một liên minh.
Người ủng hộ cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad. Ảnh: Getty.
Ông Mahathir có thể ở lại bao lâu khi đã 92 tuổi?
Một phần trong thỏa thuận dẫn dắt phe đối lập của ông Mahathir là sau 2 năm, ông sẽ nhường quyền lực cho ông Anwar Ibrahim. Bản thân mối quan hệ Mahathir-Anwar cũng là đề tài tốn nhiều giấy mực của báo giới. Cựu Phó Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim từng bị tống giam dưới thời ông Mahathir năm 1999 và trở lại nhà giam lần thứ hai vào năm 2013 vì có quan hệ không lành mạnh với cấp dưới.
Sau nhiều sóng gió, bộ đôi này đã trở lại đầy khác biệt. Nếu Mahathir giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông Anwar sẽ không "tính toán" với những gì ông Mahathir từng làm và sẵn sàng tiếp quản chiếc ghế Thủ tướng sau hai năm.
Các vấn đề lớn Malaysia phải đối mặt
Vấn đề lớn nhất mà cử tri Malaysia quan tâm là tình trạng tham nhũng và chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Vai trò bị cáo buộc của ông Najib trong vụ tham nhũng tại quỹ đầu tư quốc gia 1MDB là một phần quan trọng trong thông điệp mà phe đối lập nhắm đến để kêu gọi cử tri chống lại liên minh Mặt trận quốc gia cầm quyền (BN).
Chính sách áp thuế hàng hóa, thuế dịch vụ và thuế giá trị gia tăng của Thủ tướng Najib cũng không được người dân ủng hộ. Những loại thuế này được đánh giá là khiến chi phí cho cuộc sống hàng ngày của người dân đắt đỏ hơn. Chính vì thế, cương lĩnh tranh cử cốt lõi của cả hai bên đều là giảm chi phí sinh hoạt và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chỉ là cuộc đua song mã?
Sau cuộc bầu cử ngày 9-5, đảng giành thắng lợi sẽ quyết định chiếc ghế Thủ tướng Malaysia nhiệm kỳ tới. Vì thế, hai gương mặt đại diện cho hai chính đảng lớn nhất cũng sẽ là ứng cử viên Thủ tướng. Theo đó, một bên là đương kim Thủ tướng Najib Razak, đại diện cho chính đảng đã lãnh đạo đất nước Malaysia trong 6 thập kỷ qua và bên kia là cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, 92 tuổi, người trước đây đã đưa ông Najib Razak vào chính trường và nay đại diện cho lực lượng đối lập.
Một cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm Merdeka (một đơn vị độc lập) cho thấy, liên minh đối lập do cựu Thủ tướng Mahathir lãnh đạo có khả năng giành được 43,7% số phiếu, nhỉnh hơn so với 40,3% của liên minh cầm quyền của đương kim Thủ tướng Najib.
Nếu phe đối lập giành được chiến thắng, đây sẽ là lần đầu tiên quyền lãnh đạo đất nước không nằm trong tay liên minh BN kể từ khi Malaysia trở thành một quốc gia độc lập năm 1957 đến nay. Tuy nhiên, câu trả lời cuối cùng hiện vẫn đang nằm trong tay các cử tri Malaysia và tất cả sẽ ngã ngũ trong cuộc bầu cử ngày mai (9-5)./.
Theo HÙNG CƯỜNG (VOV)