Bảy Núi mùa nắng cháy

26/03/2024 - 18:53

 - Với khí hậu đặc trưng miền Tây, vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang) cũng có 2 mùa mưa - nắng trong năm. Tuy nhiên, mùa khô ở vùng Bảy Núi dù có oi bức với cái nắng chang chang thiêu đốt của đất trời, nhưng cũng mang trong mình sức sống riêng, bởi đây là thời điểm các đặc sản lên ngôi.

Khí hậu đặc trưng

Về Bảy Núi trong thời khắc sau Tết Nguyên đán hàng năm, du khách sẽ cảm nhận được khí hậu đặc trưng của vùng đất này. Những cánh đồng khô cháy, vắng màu xanh của lúa, chỉ còn mấy hàng thốt nốt đứng chơ vơ dưới ánh mặt trời như thiêu đốt. Với ai sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, mùa khô là một phần tất yếu của vùng Bảy Núi.

Có mùa khô, người ta mới thấy được sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Có mùa khô, người ta mới thấy rõ nỗ lực của con người trong quá trình định cư, sống hòa hợp với đất trời. Có mùa khô, người ta mới thấy được giá trị của những công trình thủy lợi chất chứa bao tâm huyết của nhiều thế hệ cán bộ, người dân địa phương, mang nước vượt qua cao trình hàng chục mét tắm mát ruộng mùa trên.

Nhanh tay lau vệt mồ hôi trên trán sau buổi ra đồng, ông Chau Sa Rươn (ngụ xã Văn Giáo, TX. Tịnh Biên) thật tình: “Vùng này mùa nắng khô hạn, trồng lúa rất khó khăn. Nhờ có nước bơm điện, người ta mới trồng đậu phộng, khoai lang hay tỉa bắp để mang ra chợ bán. Trước kia, thời điểm này, đất ruộng khô trắng, bỏ không, đâu trồng được cây gì. Giờ bà con trồng cây ngắn ngày, sa mưa xuống thì sạ lúa. Năm nào mưa nhiều thì nông dân kiếm được 2 vụ lúa, hoặc bơm điện “tiếp hơi” thì được vụ lúa kèm vụ rẫy, đời sống nhờ đó khấm khá hơn”.

Những người sống gần trọn đời ở vùng Bảy Núi như Chau Sa Rươn, hiểu rất rõ nơi này. Họ quen với cái nắng chang chang, nên cứ đi qua nó một cách thản nhiên. Với người chưa quen, sẽ cảm thấy khó chịu bởi sức nóng hầm hập của đất trời. Nhưng trong cái nắng chói chang đó, người ta được chứng kiến cảnh sắc đặc trưng của vùng Bảy Núi.

Đó là những bông hoa chỉ nở trong tháng nắng, điểm sắc tím thăm thẳm trên tán bằng lăng khẳng khiu. Đó còn là mùa của những trái điều đủ màu vàng, đỏ được người dân hái bày bán ven đường… Bởi vậy, dù là tháng nắng nhưng Bảy Núi có nét đặc trưng riêng, không quá khắc nghiệt như cái nắng miền Trung, vốn chỉ làm cho người ta ngộp thở.

“Mùa này, thiên nhiên dù khắc nghiệt, chuyện trồng trọt gặp khó khăn nhưng cũng là lúc người ta chuyển sang nghề nấu đường thốt nốt. Thốt nốt là cây kỳ lạ, chỉ cho nhiều đường trong những lúc đồng khô cỏ cháy, đất ruộng nứt dấu chân chim. Tháng nắng, sản lượng đường cao gấp 2 lần mùa mưa, nên nông dân như tôi cũng có thêm việc để làm. Ai sống với nghề truyền thống này vẫn có nguồn thu nhập để lo cơm gạo trong gia đình” - Chau Sa Rươn cho hay.

Vào mùa đặc sản

Anh Nguyễn Văn Hải (người dân phường An Phú, TX. Tịnh Biên) đã sống với cây thốt nốt hơn 20 năm. Mỗi ngày, anh dậy từ khi gà chưa gáy sáng để đi làm. Từ hừng đông đến buổi chiều tà, anh Hải leo được 70 - 80 cây thốt nốt. Biết là cực nhọc, nhưng cuộc sống khó khăn nên anh không ngại khó, ngại khổ. Nếu không nhờ cây thốt nốt, anh Hải chẳng biết làm gì để có thu nhập ổn định nuôi sống gia đình qua mấy tháng mùa khô.

“Những tháng mùa nắng, thốt nốt cho nước khá, nên mỗi cây có thể thu được 4 - 5 lít/ngày. Chịu cực một chút, nhưng có nước nhiều đem bán cho vựa, kiếm được từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày. Nếu không nhờ thốt nốt cho đường nhiều trong tháng mùa khô, tôi cũng không biết phải mưu sinh bằng cách nào. Nghĩ lại, thấy thiên nhiên cũng công bằng, vẫn cho con người cái ăn, nếu họ chịu siêng năng trong mùa nắng” - anh Hải chia sẻ.

Với người nấu đường, đây cũng là lúc có nguồn thu nhập khá nhất trong năm. Chị Neáng The Ri (ngụ xã Vĩnh Trung, TX. Tịnh Biên) gắn với bếp nấu đường thốt nốt từ lúc 10 tuổi. Với chị, mùa khô là lúc cố gắng nấu được thật nhiều đường để tích cóp tiền chăm lo gia đình. “Mấy tháng nắng, nước thốt nốt ngọt lắm, chừng 4 - 5 lít sẽ nấu ra 1kg đường, gấp 2 lần mùa mưa. Cứ 2 - 3 ngày tôi gom đường đem bán cho mấy mối thu, với giá 17.000 - 20.000 đồng/kg. Khi mưa nhiều, giá đường sẽ nhích lên đôi chút” - Chị Néang The Ri bật mí.

Vào mùa nấu đường, nếu có dịp đi ngang những nẻo quê Bảy Núi, rất dễ ngửi được hương thơm ngạt ngào của loại “mật” thốt nốt được kết tinh qua lửa đỏ. Du khách đến đây, cứ thỏa thích mua về làm quà cho người thân, bởi đường thốt nốt được sản sinh từ đất, từ nắng của vùng Bảy Núi nên có hương vị đặc trưng. Nếm một chút đường, sẽ thấy vị ngọt của nắng, vị thơm của ruộng đồng làm nên đặc sản.

Như sự tình cờ của tạo hóa, mùa nắng cũng là thời điểm diễn ra mùa hành hương ở vùng Bảy Núi. Du khách đến đây, ít nhiều đều muốn mang ít đặc sản của vùng Bảy Núi về nhà sau chuyến tham quan, cúng bái. Bởi thế, đường thốt nốt cũng tiêu thụ mạnh trong mùa khô, giúp người dân nơi đây cải thiện kinh tế gia đình.

Dù có sự khắc nghiệt nhất định, nhưng mùa khô ở vùng Bảy Núi vẫn là một phần trong bức tranh toàn cảnh ở vùng bán sơn địa này. Đến Bảy Núi mùa khô, bạn sẽ nhận ra nét đặc trưng của nó, để yêu quý hơn vùng đất mang trong mình những vết thương chiến tranh và đang trên đường đổi mới hôm nay.

THANH TIẾN