Belarus đề ra học thuyết sử dụng vũ khí hạt nhân

17/01/2024 - 08:32

Bộ trưởng Quốc phòng Belarus cho biết nước này sẽ đưa ra một học thuyết quân sự mới lần đầu tiên quy định việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Belarus hôm 16/1, Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin cho biết: "Belarus xác định rõ ràng quan điểm về việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật đóng trên lãnh thổ của mình. Một chương mới đã xuất hiện”.

Học thuyết này sẽ được trình lên Hội đồng Nhân dân toàn Belarus, một cơ quan đại diện hoạt động song song với quốc hội ở Belarus để phê duyệt.

Hiện chưa rõ học thuyết mới có thể được áp dụng như thế nào đối với vũ khí của Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin. (Ảnh: Getty) 

Cuối năm ngoái, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus "đã được đặt ở đúng vị trí và trong tình trạng tốt". Ông nhấn mạnh các quân nhân đang được huấn luyện về việc sử dụng vũ khí hạt nhân hàng ngày.

Ông Alexander Lukashenko từng cho rằng việc cho phép Nga bố trí vũ khí hạt nhân ở Belarus là điều đúng đắn. "Vũ khí hạt nhân phải được bố trí ở đây, ở Belarus, nơi đáng tin cậy", ông cho hay.

Tổng thống Lukashenko nhiều lần cáo buộc các nước phương Tây cố gắng phá hủy Belarus, cho rằng việc triển khai hạt nhân là cần thiết để ngăn chặn nguy cơ gây hấn.

Tháng 3 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố theo yêu cầu của Minsk, Moskva sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, động thái tương tự như những gì Mỹ đã làm từ lâu trên lãnh thổ các đồng minh. Ông Putin cho biết lô hàng hạt nhân đầu tiên của Nga đã được chuyển đến Belarus và toàn bộ lô hàng đến vào cuối năm. 

Moskva đã cung cấp cho Minsk hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander có khả năng mang vũ khí hạt nhân và giúp Belarus tái trang bị các chiến đấu có thể triển khai vũ khí hạt nhân.

Nga cho biết nước này sẽ duy trì quyền kiểm soát những loại vũ khí được thiết kế để sử dụng trên chiến trường và có tầm bắn ngắn và năng suất tương đối thấp.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, quyết định này của Moskva không vi phạm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1968 vì Nga vẫn giữ quyền kiểm soát vũ khí. 

Theo KÔNG ANH (VTC News/Defense News)