Chăm sóc, điều trị cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh).
Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, chính trị-xã hội chủ động phối hợp với ngành y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định nguy cơ dịch chồng dịch đang hiện hữu, nếu không có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả cũng như sự chung tay của các sở, ngành, đoàn thể và người dân trong việc chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm ở trẻ, nhất là bệnh tay chân miệng.
Ngành y tế thành phố đã xác định B5 là kiểu gien (subgenotype) của Enterovirus 71, tác nhân gây bệnh tay chân miệng nặng ở trẻ em vừa được phát hiện trở lại qua các trường hợp nặng tại ba bệnh viện nhi của thành phố. Đó là kết quả giải trình tự gien được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Nhi đồng 1 và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford đặt tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh.
Tất cả mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng có triệu chứng nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đều có kết quả PCR dương tính với Enterovirus 71 và đều có kiểu gen B5.
Theo số liệu giám sát dịch bệnh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), số trường hợp trẻ em mắc bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng nhanh trong các tuần gần đây. Cụ thể, số ca tay chân miệng bắt đầu tăng từ tuần 19 đến tuần 22, số ca mắc tay chân miệng trong tuần 22 cao gấp hơn hai lần số ca mắc tay chân miệng trong tuần 19. Hiện nay, các ca mắc chưa có dấu hiệu giảm.
Đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, cách đây khoảng bốn tuần, Khoa Hồi sức của bệnh viện không có nhiều các ca bệnh tay chân miệng, Khoa Nhiễm thì lâu lâu mới có một vài ca, nhưng khoảng hai tuần trở lại đây, bệnh viện liên tục tiếp nhận các ca bệnh.
Đặc biệt, tuần 24, ngày 12/6 vừa qua phòng cấp cứu của Khoa Nhiễm, giường nào cũng phải nằm đôi, các ca nhập viện đều cấp độ 2, cấp độ 3. Sáng 16/6, có 30 ca nhập viện, thì hơn 50% trong số đó là trở nặng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện không thể lý giải nguyên nhân virus Enterovirus 71 gây bệnh tay chân miệng tái xuất. Tuy nhiên, với các bệnh do virus không có vắc-xin phòng ngừa gây ra, thường chu kỳ 3-4 năm sẽ quay lại.
Tuy nhiên, lần này, bệnh đáng lo ngại hơn. Nguyên nhân, trẻ “trả nợ miễn dịch” sau một thời gian dài dịch Covid-19 buộc phải ở trong nhà. Trẻ không tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh bên ngoài. Sau Covid-19, trẻ được tiếp xúc trong cộng đồng trở lại. Số trẻ nợ miễn dịch sẽ đồng thời nhiễm bệnh gây ra đợt dịch lớn.
Trước đây, bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Tuy nhiên, trong đợt dịch này, trẻ lớn hơn cũng mắc bệnh. Đó là do ảnh hưởng hai năm trẻ cách ly do Covid-19, miễn dịch đối với bệnh tay chân miệng ở trẻ em không bền vững.
Điều này có nghĩa là, dù từng mắc bệnh, nhưng nếu tiếp tục tiếp xúc với nguồn lây, trẻ vẫn có nguy cơ nhiễm trở lại. Đã nhiều năm, tại Thành phố Hồ Chí Minh không có ca tử vong vì tay chân miệng, nhưng hiện đã ghi nhận các trường hợp tử vong chuyển từ tỉnh lân cận.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý, nếu thuốc cấp muộn và diễn biến phức tạp, thì bệnh tay chân miệng dự báo có thể kéo dài đến tháng 9, tháng 10. Nguy hiểm hơn, bệnh tay chân miệng chồng lên sốt xuất huyết khi bước vào mùa mưa số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng.
Để ngăn chặn sự lây lan thì việc chống lây nhiễm trong cộng đồng rất cần thiết. Nếu trẻ có dấu hiệu của bệnh, cần được cho nghỉ học ngay, tránh lây nhiễm chéo. Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ không nên cho trẻ đến chỗ đông người trong ít nhất mười ngày; cần đẩy mạnh công tác truyền thông cho phụ huynh, giáo viên về nhận biết dấu hiệu bệnh.
Bệnh viện Nhi Đồng 1 sẽ khởi động Ban phòng chống bệnh tay chân miệng; đồng thời, các bác sĩ sẽ được huấn luyện lại, nghiên cứu, sử dụng những cách thức mà những năm 2011, 2018 đã sử dụng hiệu quả. Bệnh viện cũng sẽ mở rộng thêm Khoa Nhiễm, thêm một khu vực cấp cứu oxy, khi cần thiết sẽ chuyển bệnh nhân vào để kịp thời điều trị hiệu quả, hạn chế thấp nhất bệnh nhi chuyển nặng.
Bộ Y tế vừa có yêu cầu các bệnh viện lập và triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn; kiểm tra, đánh giá về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận và điều trị.
Các bệnh viện tăng cường theo dõi các ca bệnh đang nằm điều trị nội trú để phát hiện, điều trị kịp thời khi ca bệnh có diễn biến nặng lên; ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết; phát hiện sớm, tổ chức hội chẩn và chuyển tuyến kịp thời khi người bệnh có diễn biến bất thường.
Mặt khác tăng cường phòng ngừa lây nhiễm trong bệnh viện, phân tuyến điều trị, tổ chức sàng lọc, phân loại người bệnh điều trị ngoại trú và điều trị nội trú, củng cố nguồn lực cho đơn vị hồi sức bệnh tay chân miệng... bảo đảm đủ trang thiết bị, thuốc, hóa chất và vật tư y tế cần thiết để đáp ứng yêu cầu điều trị.
Bộ Y tế giao các bệnh viện: Bệnh nhiệt đới Trung ương, Nhi Trung ương, Đa khoa Trung ương Huế, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới các tỉnh rà soát các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại các đơn vị điều trị bệnh tay chân miệng để tiếp nhận các ca bệnh nặng từ các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh và các tỉnh khác chuyển đến; tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, tập huấn và tổ chức các kíp thường trực cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các tỉnh theo địa bàn đã được phân công và khi có yêu cầu hỗ trợ n
Khuyến cáo phòng bệnh tay chân miệng
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:
1. Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ…
2. Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải được rửa sạch trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm, tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày…
3. Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ, mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
4. Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý đúng quy định.
5. Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
6. Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác…
Theo Nhân Dân