Bệnh “văn phòng” và cách phòng tránh

03/01/2020 - 06:54

 - Với nhịp sống phát triển ngày nay, người lao động tri thức làm việc chủ yếu ở các văn phòng sạch sẽ, công việc thực hiện chủ yếu qua các thiết bị hiện đại, như: máy vi tính, điện thoại tưởng chừng như không dễ mắc bệnh so với người lao động chân tay ở các môi trường bên ngoài. Thực chất, việc thiếu vận động trong suốt thời gian dài làm việc làm phát sinh các căn bệnh thoái hóa đốt sống cổ, đốt sống lưng… lâu dần làm giảm hiệu quả công việc và chất lượng cuộc sống.

Có dịp tiếp xúc với nhiều chị em giới văn phòng, khối nhân viên phải làm việc thường xuyên với máy vi tính mới hay một thực trạng phổ biến hiện nay ai cũng than mình hay bị tê các ngón tay, khó khăn trong việc điều khiển tay ga xe gắn máy, cảm thấy mỏi cổ, hoa mắt, đau 2 bả vai.

Chị Hoa (34 tuổi, nhân viên kế toán, phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) cho hay, chị thường bị đau vai, gáy cổ, mỗi lần đau phải dùng dầu nóng xoa mới hết, cái đau cứ lặp đi lặp lại cả năm nay, làm chị vô cùng khó chịu.

Còn chị Điệp (cán bộ công chức cơ quan nhà nước) chia sẻ: “Tôi thường hay tê tay, đau mỏi cổ vai, gáy hơn 10 năm nay, mặc dù đi khám và trị ở nhiều nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm”.

Chị Giang (nhân viên ngành truyền thông) chia sẻ: “Một hôm, sáng thức dậy thấy rất mỏi và tê ở cánh tay phải, sau đó đi khám nhưng không tìm được nguyên nhân. Được bạn bè chia sẻ nên tìm đến thuốc đông y và châm cứu thường xuyên, mình cũng thử chữa trị một thời gian thấy đỡ nhưng sau vẫn đau trở lại.

Mình tiếp tục được hướng dẫn đến Phòng khám nhân đạo kênh 7 (huyện Tân Hiệp, Kiên Giang), nơi chuyên trị về bệnh xương khớp với phương pháp đông, tây y kết hợp. Nơi đây, qua kết quả chụp X-quang mình bị trượt đốt sống cổ, vẹo cột sống lưng nên các dây thần kinh ở tay bị chèn ép, gây đau mỏi. Được sự chữa trị và tư vấn tận tình của bác sĩ, mình đã dần khắc phục bệnh và có sự điều chỉnh thói quen trong sinh hoạt, làm việc tại văn phòng”.

Bệnh nhân đến chữa trị tại Phòng khám nhân đạo kênh 7 là người làm công viẹc văn phòng ngày càng tăng

Theo ThS.BS Phạm Vũ Thụy (Phòng khám nhân đạo kênh 7), nguyên nhân chính của hầu hết các bệnh lý mà bệnh nhân mắc phải là do sai tư thế trong sinh hoạt, lao động, học tập, làm việc hàng ngày, như: ngồi sai, đứng sai, khuân vác sai, cúi xuống xách đồ hay làm việc sai…

Tất cả các tư thế sai từ từ gây thoát vị đĩa đệm cổ, đĩa đệm lưng, trượt đốt sống, gù vẹo cột sống, xoắn vặn cột sống gây chèn ép tủy sống, rễ thần kinh, chèn ép mạch máu… gây nên nhiều bệnh cảnh lâm sàng.

Muốn trị hoàn toàn, ngoài thời gian điều trị ở đây, về nhà bệnh nhân phải thay đổi tư thế để phòng tránh tái phát. Chẳng hạn, lúc ngồi làm việc phải thẳng lưng, không cúi cổ quá mức, khi sử dụng máy vi tính, điện thoại phải chú ý điều chỉnh thiết bị ngang tầm mắt. Khi sử dụng bàn, ghế, các vật dụng trong nhà cần chú ý đến chiều cao đồ vật phù hợp để có tư thế ngồi thoải mái.

Khi phải làm việc tại văn phòng, không nên ngồi quá lâu mà phải có sự thư giãn đi lại, vận động như có thể tập vài động tác thể dục giữa giờ để các xương khớp linh hoạt, trở về đúng vị trí. Đồng thời, tăng cường dinh dưỡng đề phòng loãng xương, hoạt động thể thao phù hợp lứa tuổi nhằm tăng cường sự linh hoạt, dẻo dai của hệ cơ, xương, khớp.

Với những người đã mắc các bệnh thoái hóa đốt sống cổ, lưng trong di chuyển bằng các phương tiện cần dùng thêm đai cổ, đai lưng để cố định xương, tránh những tác động vật lý mạnh làm nặng thêm tình trạng thoái hóa của các đốt sống.

Nhằm sớm phát hiện và phòng tránh những bệnh mà người làm công việc văn phòng hay gặp phải, cách tốt nhất vẫn là nên khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/lần. Hiện nay, các cơ quan, doanh nghiệp thường đăng ký gói khám sức khỏe nhằm giúp người lao động biết được tình trạng sức khỏe bản thân, phát hiện sớm các bệnh lý, bệnh nghề nghiệp, điều trị sớm để mang lại hiệu quả cải thiện chất lượng cuộc sống.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG