Các đại biểu dự hội thảo khoa học
Tại hội nghị, PGS. TS. BS Đỗ Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam đã báo cáo bằng hình thức online các xu hướng hiện tại trong cá thể hóa điều trị kháng kết tập tiểu cầu kép trên bệnh nhân hội chứng mạch vành cấp.
Đồng thời, các bác sĩ chuyên khoa Bệnh viện Tim mạch An Giang báo cáo quy trình báo động đỏ nhồi máu cơ tim cấp tại bệnh viện; xử trí can thiệp mạch vành cấp cứu; kết quả hoạt động tim mạch- can thiệp của Bệnh viện Tim mạch An Giang từ năm 2013-2023 và thực hành hội chẩn trực tuyến với các trung tâm y tế, trạm y tế qua ứng dụng Zalo, Viber…
Theo tổ chức Y tế Thế giới, bệnh mạch vành, nhất là nhồi máu cơ tim cấp là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu. Trên 50% bệnh nhận bị nhồi máu cơ tim cấp tử vong trong vòng 1 giờ đầu trước khi được đưa đến bệnh viện.
Nếu được điều trị tái tưới máu mạch vành kịp thời trong thời gian vàng sẽ cứu sống tế bào cơ tim, giảm nguy cơ tử vong, giảm các biến chứng sốc tim, thủng tim, rối loạn nhịp tim và suy tim về sau. Để bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp được chuyển viện an toàn đến đơn vị tim mạch can thiệp và tái tưới máu mạch vành kịp thời thì vai trò của y tế cơ sở là rất quan trọng.
Từ năm 2013 đến nay, Bệnh viện Tim mạch An Giang đã thực hiện 2.236 ca chụp động mạch vành, 3.155 ca can thiệp chương trình, 1.866 can thiệp cấp cứu, 610 báo động đỏ. Thông qua quy trình báo động đỏ, Bệnh viện Tim mạch An Giang đã can thiệp động mạch vành cấp cứu thành công cho khoảng 400 bệnh nhân mỗi năm.
HẠNH CHÂU