Bí ẩn đường hẩm cổ dài hơn 1.400 mét liên quan đến Nữ hoàng Cleopatra

09/11/2022 - 08:13

Các nhà khảo cổ phát hiện ra đường hầm nằm ở độ sâu 13 mét ở Ai Cập, nghi ngờ là hướng đến lăng mộ của Nữ hoàng Cleopatra.

Lăng mộ của Nữ hoàng Cleopatra cho đến nay vẫn ẩn chứa nhiều bí ẩn chưa rõ lời giải đáp. Một số giả thuyết cho rằng người phụ nữ quyền lực một thời chôn cất bên dưới Đền Taposiris Magna, nằm gần thủ đô Alexandria của Ai Cập cổ đại.

Mới đây, các nhà khoa học phát hiện ra một đường hầm nằm sâu dưới lòng đất khoảng 13 mét, ẩn bên dưới Đền Taposiris Magna cổ đại. Họ nghi ngờ đây là hướng đi dẫn đến lăng mộ của pharaoh Cleopatra bị thất lạc từ lâu.

Đường hầm đồ sộ được miêu tả là 'điều kỳ diệu hình học, dài hơn 1.460 mét, cao khoảng 1,8 mét, khá giống với đường hầm tráng lệ của Eupalinos trên Đảo Samos, Hy Lạp. Eupalinos được coi là một trong những thành tựu kỹ thuật quan trọng nhất thời Hy Lạp- La Mã cổ đại.

Kathleen Martinez, nhà khảo cổ học, Đại học San Domingo, người đứng đầu nghiên cứu cho biết Nữ hoàng Cleopatra và người tình của bà là Mark Antony đã an nghỉ trong ngôi đền và đường hầm dài, thiết kế đẹp có thể sẽ là con đường dẫn đến khám phá này.

"Khả năng đường hầm dẫn lối đến vị trí nữ hoàng chôn cất ở đó không nhiều nhưng nếu đúng như vậy, đây sẽ là khám phá quan trọng nhất của thế kỷ 21", Kathleen Martinez nói.

Các nhà khảo cổ học tin rằng, Mark Antony tự sát vì quá đau đớn khi thất bại trước Octavian nhưng Cleopatra đã lên kế hoạch chi tiết để cả hai cùng được chôn cất ở đó.

Theo thần thoại, Cleopatra đã thương lượng với Octavian cho phép được chôn cất cùng Mark Antony ở Ai Cập, như tái hiện lại truyền thuyết về Isis và Osiris.

Trong quá trình khai quật tìm kiếm, các nhà khảo cổ tìm thấy một số bình gốm dưới lớp trầm tích bùn và một khối đá vôi hình chữ nhật. Ngoài ra họ phát hiện một phần đường hầm bị chìm dưới nước ở Địa Trung Hải, hai đầu tượng bằng thạch cao cũng gần ngôi đền, trong đó có một chiếc tồn tại từ thời Ptolemaic.

Nhóm nghiên cứu tin rằng một phần nền móng của Đền Taposiris Magna nằm dưới nước do ít nhất 23 trận động đất ập vào bờ biển Ai Cập từ năm 320 sau Công nguyên đến năm 1303 sau Công nguyên.

Bên trong ngôi đền có một số hiện vật quan trọng liên quan đến Nữ hoàng Cleopatra như tiền xu có tên và hình ảnh, một số bức tượng bị chặt đầu và tượng của nữ thần Isis.

Phía sau ngôi đền là khu nghĩa địa chứa nhiều xác ướp theo phong cách Hy Lạp La Mã, khuôn mặt quay về phía đền. Theo các chuyên gia, điều này cho thấy ngôi đền là nơi chôn cất một nhân vật quan trọng của hoàng gia, Cleopatra có thể là người đó.

Theo HOÀNG DUNG (Infonet)