Tôi đến chốt phòng, chống dịch bệnh số 13 Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn (TP. Châu Đốc) trong tâm thế “chạy đua” với con nước ròng, khi một lát nữa thôi, mương Sáu Nhỏ sẽ cạn trơ đáy. Thời điểm ấy, chốt số 13 gần như bị “cô lập” giữa đồng, đường lưu thông về nội địa bị hạn chế rất nhiều.
Ban ngày, nắng như thiêu như đốt, đến chiều tối tạm dịu lại, nhưng cảm giác oi nồng vẫn hiện hữu. Lúc này, CBCS trong tổ, chốt tranh thủ thay phiên nhau tắm giặt, quây quần ăn cơm dưới ánh sáng của đèn năng lượng mặt trời. Có hôm, mọi người vừa ăn, vừa “chạy muỗi”, miếng cơm vào trong miệng cũng nghe bứt rứt, mất ngon bởi tiếng “muỗi kêu như sáo thổi”. Giữa không gian ruộng rẫy lặng ngắt, càng nghe cồn cào nỗi nhớ tiếng ồn ã của cuộc sống bình thường.
Nhưng so với nhiều tổ, chốt khác, chốt 13 còn khá đông vui, vì… có mấy nông dân làm hàng xóm. Mùa nước cạn, chị Thu (43 tuổi) và chồng ra ruộng giữ lúa, ở trong một cái chòi tạm. Từ khi chốt chống dịch được dựng lên, từ cái máy bơm nước đến xuồng ghe, giúp được gì cho bộ đội, vợ chồng chị sẵn lòng.
“Tôi thấy thương mấy chú bộ đội lắm, vất vả đủ thứ. Vợ chồng tôi đi làm ruộng, tối về cơm nước xong là ngủ ngon lành. Còn bộ đội phải chia nhau thức, đi tuần tra xung quanh, làm gì được ngủ nghỉ đầy đủ. Vì vậy, hễ có thông tin, động tĩnh ở biên giới, chúng tôi đều báo cho bộ đội, nhờ đó đã phát hiện, bắt giữ mấy trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép” - chị Thu kể.
Nghe những lời trò chuyện thân tình của gia đình chị và CBCS, chúng tôi thấy ấm lòng. Họ chia nhau chút ánh sáng trong đêm, cùng nhau giữ biên giới, là chỗ dựa vững chãi thắm tình quân - dân trong giai đoạn khó khăn này.
Cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị tuần tra đêm
Chúng tôi lội qua con đường đê nhỏ hẹp- vừa mới ráo mặt bùn sau trận mưa đêm trước - để di chuyển từ chốt số 13 đến các chốt gần đó. Dọc theo quãng đường là hàng cột điện năng lượng mặt trời. Nương theo ánh điện ấy, cộng với đốm sáng ít ỏi của đèn pin trên tay, chúng tôi nghe biên giới "trở mình" trong đêm, đồng thời chịu đựng sự tấn công của đám côn trùng đang “bao vây” ngọn đèn. Trong màn đêm đặc quánh mà ánh đèn không với tới, là các đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép, tội phạm buôn lậu… đang chờ “thời cơ” hoạt động.
Phía xa xa là ánh sáng của phố thị, càng tô đậm vẻ đối lập với bên này. Những dãy đèn năng lượng thắp sáng đường biên dù chẳng rực rỡ, lại ẩn chứa rất nhiều điều tuyệt vời, mang nét đẹp của “hậu phương” và “tiền tuyến”. Đó là kết quả của sự chung tay góp nhân lực, vật lực từ các tổ chức, cá nhân trong xã hội. “Của một đồng, công một nén”, biết bao vất vả mới đưa được trang thiết bị ra đến nơi đây. Nhưng mà, thêm một ngọn đèn là thêm một đoạn biên giới được chiếu sáng, bớt đi một chút vất vả cho lực lượng làm nhiệm vụ.
Ở một nhà bạt giữa bờ ruộng là nơi nghỉ ngơi của CBCS chốt phòng, chống dịch bệnh COVID-19 số 11 Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn. Trung úy Phạm Quốc Trung (chốt trưởng) được tăng cường từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về An Giang. Lần đầu tiên, anh biết đến thời tiết khắc nghiệt, khi nóng - lạnh đối lập nhau giữa ngày và đêm, chưa kể giao thời giữa mùa khô và mùa mưa. Đường đi, nếu di chuyển bằng xe máy thì khó điều khiển, nhất là lúc sình lầy; đi bộ thì mất thời gian, còn vỏ lãi thì bất tiện, phụ thuộc vào con nước. Đã 90 ngày đêm anh gắn bó với biên giới An Giang, dần quen với tiếng côn trùng rả rích quện vào bóng tối.
Chiến sĩ canh gác biên giới tại chốt phòng, chống dịch bệnh số 13
“Khả năng thích nghi cao với mọi hoàn cảnh, địa hình, khí hậu là ưu điểm lớn nhất của người lính, nên chúng tôi khắc phục bằng mọi giá, để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Nhiều lúc, áp lực công việc tăng cao, khi dịch bệnh phía nước bạn diễn biến phức tạp, chúng tôi tự động viên nhau vượt qua. Điều đáng nhớ nhất, đây là lần đầu tiên tôi được ở một khu vực sát ngay biên giới như thế, chắc chắn sẽ là trải nghiệm thú vị trong quá trình công tác của tôi” - trung úy Trung chia sẻ. Anh và đồng đội của mình, mỗi người một quê, từ mọi vùng, miền khác nhau về đây, có tuổi đời và hoàn cảnh riêng biệt. Nhưng dưới bầu trời ấy, họ đều hướng về một ước mong duy nhất: quê hương đất nước được bình yên!
Tôi chia tay CBCS, trở về với ánh đèn đô thị, mà lòng cứ mãi bâng khuâng. Nếu chưa từng rời xa “ngọn xanh ngọn đỏ” của cuộc sống bình thường, chưa từng ngắm ánh trăng nở rộ giữa bầu trời đầy sao, chưa từng cảm nhận cái lạnh thốc của đêm biên giới, tôi sẽ không thể biết được biên giới quê hương là gì. Khi biết rồi, với “khách vãng lai” như tôi, điều ấy có chút thi vị, là trải nghiệm rất khác biệt. Nhưng với những người lính thực hiện nhiệm vụ trong hàng trăm đêm như thế, lại là nỗi vất vả khó diễn tả bằng lời. Bình yên chúng ta có được đánh đổi bằng sự cống hiến lặng lẽ của họ ngày qua ngày, đêm nối tiếp đêm. Chỉ cần mỗi người dân nâng cao ý thức một chút, thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được khuyến cáo, thì sẽ giúp những người lính ấy được trở về sớm hơn một chút, bớt những ngày dãi dầu sương gió, đội nắng đội mưa nơi biên thùy.
Bài, ảnh: GIA KHÁNH