Biến thể B.117 lần đầu được phát hiện ở London và hạt Ken lân cận. Ảnh: AP
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, các nhà nghiên cứu tại Thượng Hải đã lần theo dấu vết tiến hóa ban đầu của biến thể B.117, biến thể đã gây ra làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới ở một số quốc gia, nhưng họ không tìm thấy dấu vết của nó trong các mẫu virus thu thập từ người trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, khi mở rộng tìm kiếm sang các loài động vật, họ đã phát hiện ra một số dạng B.117 ban đầu trên chó, trong đó có một mẫu được lấy ở Mỹ vào tháng 7 năm ngoái.
“Các biến thể tiền thân như vậy bao gồm hầu hết hoặc tất cả các đột biến của biến thể ban đầu B117 trong quần thể giống chó Canidae, và chúng có thể đã lây nhiễm trở lại con người sau một giai đoạn đột biến nhanh chóng”, Giáo sư Chen Luonan và các đồng nghiệp tại Phòng thí nghiệm Sinh học tế bào Trọng điểm Quốc gia, viết trong một bài báo đăng ngày 16/4.
Sự xuất hiện của biến thể B117 đã khiến các nhà nghiên cứu hoang mang. Sau khi được phân lập từ hai bệnh nhân ở hạt Kent, phía đông nam nước Anh, và London vào tháng 9/2020, nó nhanh chóng trở thành chủng SARS-CoV-2 thống trị ở Anh và nhiều nước khác, với tốc độ lây lan nhanh hơn các chủng trước đó.
Một số chuyên gia tin rằng biến thể này có thể xuất hiện từ các cộng đồng địa phương dưới áp lực từ các loại thuốc kháng virus được sử dụng trong đại dịch. Theo một giả thuyết phổ biến, nó đột ngột xuất hiện ở Anh và sau đó lan rộng ra các khu vực khác trên thế giới.
Nhưng biến thể B.117 lại có 9 đột biến riêng biệt, hiếm khi được tìm thấy ở các chủng virus trên người trước đó - theo Giáo sư Chen và các cộng sự. Những đột biến này không xảy ra ở các gien liền kề, mà lan rộng ra trên toàn bộ bộ gien của virus. Khả năng tất cả các đột biến này xuất hiện cùng một lúc là cực kỳ thấp.
Nhóm nghiên cứu Thượng Hải tin rằng 9 đột biến kể trên lần lượt được tạo ra cái nọ tiếp sau cái kia. Mô hình của họ cho thấy biến thể có thể có nguồn gốc bên ngoài Anh và nhận được các đột biến trên vật chủ không phải là con người. Chó là đối tượng tình nghi nhiều nhất, tiếp theo là chồn hoặc mèo.
Tuy vậy, ông Qu Liandong, Giáo sư virus học tại Viện Nghiên cứu Thú y Cáp Nhĩ Tân, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết cần có thêm bằng chứng chắc chắn để chứng minh lý thuyết này.
Theo ông Qu, các chủng virus được tìm thấy trên chó không hoàn toàn giống với chủng đầu tiên được xác định ở bệnh nhân người Anh. Và mặc dù số lượng trình tự bộ gien mà các nhà nghiên cứu thu được trên toàn cầu đã lên tới hàng trăm nghìn, nhưng nó vẫn còn nhỏ so với tổng số bệnh nhân ở đó.
Nếu chó trở thành vật chủ “chúng ta sẽ gặp phải một vấn đề lớn”. Ảnh: AP
Giáo sư Qu, người chuyên nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật cho rằng, nếu vật nuôi như chó trở thành vật chủ, “chúng ta sẽ gặp phải vấn đề lớn”.
“Gần như tất cả các biện pháp của chúng tôi để chống lại đại dịch cho đến nay đều chỉ tính đến con người. Nếu động vật có liên quan, nó sẽ thay đổi hoàn toàn ‘cuộc chơi’”, ông nói.
Khi dịch cúm gia cầm bùng phát trong một trang trại gà, tất cả những con gà ở đó phải bị tiêu huỷ, theo thông lệ tiêu chuẩn trên toàn thế giới. Nếu bệnh có thể lây nhiễm sang người, tất cả các động vật mẫn cảm - kể cả những con khỏe mạnh - phải được loại bỏ trong khu vực bị ảnh hưởng.
Chó là bạn đồng hành thân thiết của con người, nhưng nếu chúng được chứng minh có khả năng mang hoặc tạo ra các biến thể đột biến của virus Sars-CoV-2, chúng cũng có thể bị tiêu hủy, Giáo sư Qu nói.
Một giải pháp thay thế là tiêm vaccin cho động vật. “Nhưng chúng ta không thể tiêm vaccine của người cho những con chó. Chúng ta có thể cần phát triển một số phiên bản hoàn toàn mới. Chúng ta đã gặp khó khăn trong việc tiêm chủng cho con người. Làm thế nào chương trình có thể được mở rộng ra cả chó hoặc các động vật khác? ” - Giáo sư Gu nêu vấn đề.
Ngày càng có nhiều lo ngại rằng biến thể B.117 có thể khiến chó bị ốm nặng. Các bác sĩ thú y gần London nhận thấy sự gia tăng đột ngột các vật nuôi - bao gồm cả chó và mèo - bị viêm cơ tim vào đầu năm nay và nhiều con vật trong số này có kết quả dương tính với biến thể B.117 - theo một báo cáo của Reuters hồi tháng 3/2021.
Một vấn đề khác là, con người và động vật có hệ thống miễn dịch khác nhau và thường rất khó để virus lây nhiễm từ loài này sang loài khác. Virus SARS-CoV-2 được cho là có nguồn gốc từ loài dơi, nhưng nó có thể mất hàng thập kỷ để thích nghi với con người. Khi nào và ở đâu nó đã thực hiện chuyển đổi từ động vật sang người thì đến nay vẫn chưa rõ ràng.
Nhóm của Giáo sư Chen cho biết biến thể B.117 có một chiến lược tiến hóa độc đáo là tăng khả năng lây nhiễm, vì vậy nó có thể lây lan dễ dàng hơn từ vật chủ này sang vật chủ khác, nhưng đồng thời giảm số lượng bản sao mà nó tạo ra trong vật chủ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, liệu chiến lược này có giúp biến thể B.117 vượt qua khoảng cách giữa các loài hay không thì cần phải nghiên cứu thêm.
Theo THU HẰNG (Báo Tin Tức)