Như vậy, những gì diễn ra tại Malaysia giống với xu hướng dịch bệnh ở nhiều nơi trên thế giới, đó là biến thể Delta đã trở thành chủng chính, không chỉ có khả năng lây nhiễm cao mà còn làm tăng nguy cơ bệnh nặng và tử vong cho người bệnh.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia, ngày 14-8-2021. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Bộ Y tế Malaysia cho biết thêm cho tới nay Malaysia đã phát hiện 1.201 ca nhiễm biến thể đáng quan ngại và 20 trường hợp nhiễm biến thể cần lưu ý. Trong 1.201 ca nhiễm biến thể đáng quan ngại có 978 ca nhiễm biến thể Delta, 209 ca nhiễm biến thể Beta và 14 trường hợp nhiễm biến thể Alpha. Đối với 20 trường hợp nhiễm biến thể cần lưu ý có 13 trường hợp nhiễm biến thể Theta, 4 trường hợp nhiễm biến thể Kappa và 3 trường hợp nhiễm biến thể Eta.
Cùng ngày, Chủ tịch Hiệp hội bác sỹ y tế công Malaysia (PPPKAM), Tiến sĩ Zainal Ariffin Omar, cho biết chương trình tiêm chủng quốc gia nên ưu tiên cho càng nhiều người càng tốt trước khi cân nhắc việc triển khai mũi tiêm tăng cường.
Phát biểu trước báo giới, ông Zailnal cho rằng việc tiêm mũi tăng cường để tăng hiệu quả cho những người đã có khả năng bảo vệ không nên được ưu tiên hơn những người không có khả năng bảo vệ. Ông cho rằng sẽ không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người được an toàn .
Trước đó, Tổng thư ký Bộ Y tế Malaysia - Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah cho biết việc tiêm mũi tăng cường cho các đối tượng đã tiêm đủ liều sẽ không hạn chế được nguy cơ mắc biến thể Delta. Theo ông Noor, vaccine COVID-19 đang được sử dụng ở Malaysia đã chứng minh hiệu quả trong việc chống lại biến thể Delta, bằng chứng là tỷ lệ nhập viện giảm, tỷ lệ bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt và sử dụng máy thở cũng giảm.
Tính đến ngày 28/8, khoảng 61,1% dân số của Malaysia, tương đương gần 14,3 triệu người đã hoàn thành tiêm chủng. Ông Noor Hisham Abdullah cũng nói rõ tại Malaysia vẫn còn nhiều người chưa được tiêm phòng. Nhận định của các chuyên gia y tế Malaysia đưa ra trong bối cảnh nhiều cuộc tranh luận về việc tiêm mũi tăng cường đang nóng lên trên toàn cầu do lo ngại biến thể Delta có khả năng lây nhiễm sang những người đã hoàn thành 2 mũi tiêm chủng.
* Tại Mỹ, Thống đốc bang Idaho - Brad Little thông báo đã tái kích hoạt lực lượng Vệ binh quốc gia tại bang này đồng thời bổ sung thêm 370 nhân viên y tế và hành chính để hỗ trợ các bệnh viện vốn đang gồng mình điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 chưa tiêm chủng.
Theo đó, 150 binh sĩ Vệ binh quốc gia sẽ tham gia hỗ trợ các hoạt động như hậu cần, sàng lọc tại các cơ sở y tế đang thiếu hụt nhân lực, trong khi đó 200 nhân viên y tế và nhân viên hành chính cũng được tăng cường thông qua hợp đồng ký với Cơ quan dịch vụ công Mỹ. Thống đốc Little cho biết thêm 20 nhân viên y tế thuộc Bộ Quốc phòng cũng được điều động hỗ trợ tại Bắc Idaho, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất bang Idaho.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, bang Idaho đã ghi nhận 221.389 ca mắc COVID-19, trong số này 2.300 ca tử vong. Riêng trong ngày 31/8, bang này đã ghi nhận 1.226 ca mắc mới. Thống kê cũng cho thấy hơn 820.000 người dân bang Idaho đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong khi 733.000 người đã tiêm đủ liều.
Thống đốc Little cũng cảnh báo tình hình dịch bệnh tại bang này đang gần tới mức khủng hoảng khi hiện chỉ còn 4 trong gần 400 giường bệnh trong khu điều trị tích cực trên toàn ban còn trống, do vậy, người dân cần nhanh chóng tiêm vaccine.
Theo Báo Tin Tức