Học sinh các trường THCS thi nghề điện tại Hội đồng thi nghề quận 5, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Điều này đã khiến nhiều phụ huynh, học sinh hoang mang, lo lắng.
Đặt hi vọng vào 1,5 điểm
Còn khoảng 10 ngày nữa học sinh lớp 9 ở Hà Nội sẽ thi nghề phổ thông. Trong khi đó học sinh tại TP.HCM đã hoàn thành kỳ thi này. Nhiều học sinh đã cầm chắc số điểm cộng thêm khi tuyển sinh vào lớp 10 vì điểm thi nghề đạt loại khá, giỏi.
Theo chị Nga, có con học lớp 9 Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội thì học sinh lớp 9 rất coi trọng kỳ thi nghề.
"Năm nay Hà Nội tăng hơn 24.000 học sinh dự tuyển vào lớp 10, nên việc cạnh tranh vào các trường tốp đầu thành phố sẽ rất căng. Nếu các con có thêm 1-1,5 điểm cộng sẽ yên tâm hơn" - chị Nga giải thích.
Trao đổi trong nhóm chat trên Facebook với một nhóm phụ huynh có con học lớp 9 Trường THCS Đống Đa, Hà Nội, mọi người khá lo âu sau dự thảo của Bộ GD-ĐT.
Một phụ huynh có nickname Hồng Hạnh Hoàng cho biết: "Nếu bỏ cộng điểm thì công bố từ đầu năm học, chứ sát ngày thi như thế này sẽ ảnh hưởng tâm lý học sinh. Giờ tụi nhỏ hoang mang, không rõ bỏ hay không bỏ cộng điểm".
"Do quy định cộng điểm mà học sinh phải dành thời gian, công sức vào học để thi nghề. Nếu quy định này thực hiện luôn trong năm nay sẽ bất công với học sinh" - một phụ huynh có con học Trường THCS Hoàn Kiếm, Hà Nội, bày tỏ.
Cô Thu Hồng, một giáo viên THCS ở Hà Nội, chia sẻ: "Đến nay chúng tôi vẫn dành thời gian của các tiết sinh hoạt để học sinh ôn tập lý thuyết nghề. Nhưng nếu quy định này thực hiện luôn trong năm nay sẽ có nhiều phụ huynh và học sinh sốc".
Theo quy định của Hà Nội trong tuyển sinh vào lớp 10, giữa các trường cùng tốp, điểm chuẩn nguyện vọng 1 chỉ chênh nhau 0,5 điểm. Vì thế, nếu không còn được cộng điểm nghề, có thể hàng loạt học sinh sẽ phải thay đổi lựa chọn nguyện vọng 1 để hạn chế rủi ro.
Trước thông tin này, một lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết vẫn đang chờ quy chế sửa đổi chính thức ban hành để xây dựng phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019.
Ủng hộ "bỏ cộng điểm"
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Thành, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cho biết việc không cộng điểm vào kết quả thi tuyển đầu cấp với các cuộc thi do địa phương tổ chức từng được Bộ GD-ĐT quy định trong văn bản số 1915 ban hành tháng 5-2017 về tinh giản các cuộc thi của giáo viên và học sinh.
Việc này nhằm chấn chỉnh tình trạng "loạn các cuộc thi" ở địa phương để lấy điểm, lấy giải làm điểm cộng ưu tiên trong việc tuyển sinh đầu cấp, dẫn tới việc biến tướng, méo mó các sân chơi trí tuệ vốn hữu ích, lành mạnh.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, mục đích của việc dạy nghề phổ thông nhằm góp phần phân luồng, hướng nghiệp, để học sinh được tiếp cận với các nghề mà các em có sở thích, sở trường. Tuy nhiên, do nhiều địa phương sử dụng điểm nghề để cộng điểm trong kỳ thi tuyển sinh đầu cấp nên mới xảy ra tình trạng học sinh học đối phó, chỉ chọn những nghề dễ học, dễ có điểm cao.
Do đó trong dự thảo quy chế sửa đổi trên, Bộ GD-ĐT quy định bỏ cộng điểm với thi nghề và nhiều cuộc thi khác do địa phương tổ chức. Việc bỏ cộng điểm nhằm đưa dạy nghề về đúng với mục đích đã từng đề ra, giảm tiêu cực thi cử. Đây là điều nhiều giáo viên THCS thừa nhận nên làm.
Tuy nhiên, với vấn đề này, các cán bộ quản lý từ cấp trường đến sở lại có một băn khoăn mới là "nếu bỏ điểm cộng, liệu học sinh có học nghề không?".
Theo chương trình giáo dục trung học thì nghề phổ thông hiện vẫn là môn học bắt buộc học sinh phải hoàn thành để xét tốt nghiệp THCS, THPT. Bộ GD-ĐT quy định chương trình học nghề THCS là 70 tiết, THPT là 105 tiết với 11 nghề khác nhau.
Tuy nhiên, do mục tiêu "thi để cộng điểm" nên hầu hết học sinh đều chọn nghề dễ đạt điểm giỏi. Cụ thể, tại Hà Nội nhiều trường THCS có 100% học sinh chọn học tin học.
Thực tế, có rất nhiều nghề học sinh thích, có thể phát triển hướng nghiệp nếu sau này phân nhánh sang học nghề như nấu ăn, cắt may, sửa chữa xe máy, điện dân dụng... Dù vậy các em lại không hề chọn thi do được thầy cô, cha mẹ tư vấn không chọn vì... nhiều rủi ro!
* Bà Phạm Thị Hạnh (hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Quốc Việt, Q.7, TP.HCM):
Cần lộ trình và hình thức hướng nghiệp thay thế
Hiện nay, xã hội còn coi trọng bằng cấp nên phụ huynh không mặn mà với việc cho con học nghề. Dạy học nghề trong trường THCS và cộng điểm khi xét tuyển vào lớp 10 vốn để khuyến khích học sinh học nghề, góp phần định hướng, phân luồng sớm cho các em chọn ngành, chọn nghề.
Nếu không còn được cộng điểm khuyến khích nữa, phụ huynh lẫn học sinh sẽ không còn mặn mà với học nghề, công tác hướng nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, việc không cộng điểm nghề sẽ đảm bảo tính công bằng giữa các nhóm học sinh trong xét tuyển. Các nhóm học sinh giỏi thì thường điểm nghề cũng rất cao, khi xét vào lớp 10, điểm của nhóm lại càng cao hơn.
Ngược lại, ở nhóm học sinh trung bình yếu, điểm nghề thường thấp nên các em càng thiệt thòi khi xét tuyển vào THPT. Vì vậy, nếu bỏ cộng điểm nghề khi xét tuyển vào lớp 10, Bộ GD-ĐT cần lộ trình phù hợp và có những hình thức khuyến khích hướng nghiệp thay thế.
* Hoàng Gia Thuyên (học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Văn Bé, Q.Bình Thạnh, TP.HCM):
Nếu bỏ cộng điểm thì vô lý lắm!
Nếu không được cộng điểm nghề em thấy thiệt là vô lý, vì em đã bỏ ra một năm để học nghề rồi mà. Thiệt ra mà nói thì tụi em đi học nghề là được cộng điểm khi xét tuyển vào THPT.
Nếu giờ bỏ cộng điểm, chắc tụi em cũng không muốn đi học nghề nữa! Hiện nay, chương trình học của tụi em đã rất nặng rồi, ngoài học trên trường, em và các bạn còn phải đi học thêm 3-4 môn, học thêm nghề nữa thì mệt lắm!
PHƯƠNG NGUYỄN ghi
|
Theo VĨNH HÀ (Tuổi Trẻ)