Theo dự thảo, lớp học trong trường chuyên được tổ chức theo các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng GD-ĐT ban hành, bao gồm: Toán, Tin học, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ 1.
Cùng đó, quy định không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên.
Mỗi lớp chuyên có không quá 35 học sinh.
Trên cơ sở các điều kiện bảo đảm chất lượng và đề nghị của hiệu trưởng trường chuyên, cơ quan quản lý trực tiếp trường chuyên sẽ quyết định số môn chuyên và số lớp chuyên đối với từng môn.
Dự thảo cũng nêu rõ, hệ thống trường chuyên bao gồm trường chuyên thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học.
Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ có ít nhất 1 trường chuyên.
Như vậy, nếu dự thảo này được thông qua, đồng nghĩa với việc các lớp dành cho học sinh không đủ điểm trúng tuyển vào các lớp chuyên (với tên gọi khác nhau như: lớp cận chuyên, lớp chất lượng cao,...) đang được không ít các trường THPT chuyên triển khai hiện nay sẽ bị bãi bỏ.
Ảnh minh họa: Thanh Hùng
Dự thảo cũng nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ và quyền hạn của trường chuyên là trường dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học của học sinh trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Trường chuyên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của trường trung học quy định tại Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học và nhiệm vụ, quyền hạn như sau: Tổ chức và thực hiện kế hoạch dạy học chương trình giáo dục nâng cao đối với các môn chuyên do Bộ trưởng GD-ĐT quy định; Nghiên cứu vận dụng phù hợp, hiệu quả chương trình giáo dục và các phương pháp quản lý, dạy học, kiểm tra, đánh giá tiên tiến; thúc đẩy giáo dục tích hợp Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học trong giáo dục phổ thông; Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đủ về số lượng, cơ cấu; giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; có năng lực nghiên cứu khoa học; sử dụng thành thạo thiết bị dạy học hiện đại; có kỹ năng về công nghệ thông tin; sử dụng được ngoại ngữ trong giao tiếp, dạy học và nghiên cứu khoa học,...
Bộ GD-ĐT lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư này đến hết ngày 14/12/2022.
Theo Vietnamnet