Sáng tinh mơ, chị Nguyễn Thị Bích Thủy (41 tuổi, ngụ ấp Ô Tà Sóc, xã Lương Phi, Tri Tôn) đã chạy xe lên núi, lui cui trong đám rẫy đến ”trưa trờ trưa trật”. Lúc nào đói, mệt, chị nghỉ tay, dựa lưng vào vách đá cho mát. Kết thúc ngày làm việc, chị gánh nông sản trên vai, “kẽo cà kẽo kẹt” xuống điểm tập kết, bàn giao cho người thuê. Mớ nông sản ấy, đàn ông trai tráng mới đưa vai vào gánh đã cảm thấy ê ẩm, không nhấc lên nổi, mà chị gánh trèo lên trèo xuống đoạn dốc tỉnh queo. Hỏi ”bí quyết”, chị cười ngất: “Gánh 20 năm liên tục thì sẽ được thôi”.
Chờ cơn gió mát thổi khô mồ hôi, chị thủng thỉnh kể cho chúng tôi nghe về đời mình. Thật ra, chị là người ở vùng xuôi, ngay khu vực mua, bán ì xèo của huyện Châu Phú. Nhưng gia đình chị khó mà sống tốt được khi không có vốn, đất cát càng không. Thấy người cô về núi Dài sinh sống “ngon lành”, vợ, chồng chị ôm đứa con vừa tròn 1 tuổi về theo. Ngày đầu tiên về ở, xung quanh chẳng có bóng người, con đường vào núi quanh co, nhỏ hẹp, hàng xóm gần nhất... cách đó vài cây số. Không điện, không nước, chỉ có muỗi vo ve, ếch nhái kêu rỉ rả suốt đêm. Có chồng và con bên cạnh, chị không sợ, ngược lại cảm thấy “như vậy cũng thoải mái”. Họ tích cóp để mua được đất núi làm rẫy, trồng vườn, rồi làm thuê hái nông sản, vận chuyển lên, xuống núi cho người dân địa phương. Chớp mắt, 20 năm trôi qua. Gia đình chị gắn bó với xứ núi đến mức chẳng muốn bỏ đi đâu. “Có dịp, tôi đi Bình Dương thăm mẹ ruột. Thấy xe chạy ngoài đường, tôi chóng mặt vì không biết chạy thế nào, trong khi bản thân đã từng sống ở phố thị nhiều năm, đâu phải “hai lúa rặt” đâu. Cả tuần lễ, tôi chỉ ”ru rú” trong nhà, không dám đi ra phố, phần vì sợ lạc, phần vì không quen. Về tới nhà, nhìn núi xanh mát sau lưng, thấy khỏe gì đâu!”- chị Thủy kể.
Thu hoạch nông sản trên núi
Cuộc sống của người xứ núi bình dị mà vất vả. Ai trót “thương” núi rồi, ở phương xa đến lập nghiệp, cũng phải bám núi mà sống như người cố cựu. Cả ngày, họ quần quật lao động trên núi, đến chiều tối mới quay về tổ ấm. Do địa hình hiểm trở, việc làm cỏ, thu hoạch nông sản, vận chuyển đồ đạc lên, xuống núi... cực hơn mấy lần so với chân núi. Thu nhập đôi khi chỉ đủ đắp đổi qua ngày, mọi hy vọng đều dồn vào thời điểm thu hoạch cây ăn trái hoặc cây lâm nghiệp. “Điều dễ sống nhất ở núi là tuy chẳng giàu có, nhưng không lo đói. Ai siêng làm, chịu khó bẻ bắp chuối, hái rau dại, bắt ếch nhái, cua ốc... trên núi là có thức ăn hàng ngày. Thu hoạch được nhiều thì đem xuống núi bán cho thương lái, thêm chút đỉnh thu nhập. Chúng tôi không phải lo chan chát đồng tiền, đến trái ớt cũng phải ra chợ mua như ở đô thị”- bà Trần Thị Sáu (62 tuổi, ngụ cùng ấp) tiếp lời.
Thích thú với cảnh sống yên bình ấy, nhiều người ở phố thị bắt đầu tìm đến mua đất núi, vui thú điền viên như một cách thư giãn sau những ngày làm việc nặng đầu. Anh Nguyễn Hữu Phước (45 tuổi, người dân địa phương) thường xuyên dắt người quen ở miền xuôi mua đất. Mua xong rồi, họ xắn tay trồng trọt, chăm sóc mảnh núi của mình như nông dân thứ thiệt, thậm chí có ý định sinh sống lâu dài. Anh Phước nhớ lại: “Có người thử nghiệm cảm giác đi làm rẫy trên chót ngọn núi. Núi cao, mây bao quanh như làn khói mỏng, gần sát bên người. Ổng khoái quá, thốt lên: “Tiên cảnh là đây chứ đâu!”. Giờ người ta có xu hướng tìm lại không khí trong lành, thoải mái, hoang sơ ở vùng núi non, vì họ ngán khói bụi, ô nhiễm, cảm giác bí bách của nhà cao tầng, máy lạnh, sự trói buộc của Internet lắm rồi. Chúng tôi từng bỏ phố về đây, hiểu cảm giác đó lắm”.
Nhịp sinh hoạt bình yên của người dân xứ núi
Ráng chiều, ánh hoàng hôn lẩn khuất sau đám mây. Sập tối, cả ngọn núi chìm trong bóng đêm. Để ý kỹ lắm mới thấy một vài ánh đèn nhỏ xíu nhấp nháy trên núi, đó là những căn nhà của người dân địa phương. Trong màn đêm, bên ánh sáng nhạt của điện sạc bình, tiếng trẻ con học bài ê a, tiếng cười nói rổn rảng, pha lẫn tiếng nhạc Bolero, tiếng phát thanh viên ấm áp từ máy Radio cũ kỹ... hòa vào nhau, vang vọng một góc núi. Nhìn xuống phố thị, thấy đèn sáng choang, khác biệt một trời một vực. Nhưng chẳng ai tiếc nuối khi ”bỏ phố về núi”, bởi ở đâu cũng là sống, chỉ có điều họ chọn cuộc sống gắn bó với thiên nhiên, với đất đai vườn tược. Sống ở đâu không quan trọng bằng việc họ cảm thấy bình yên, hạnh phúc bên gia đình mình!
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG