Hướng dẫn ban hành thông cáo báo chí
Điểm c, Mục 3, Phần IV của đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” ban hành tại Quyết định 977/QĐ-TTg, ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 977) giao UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng, ban hành thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do chính quyền địa phương cấp tỉnh ban hành. Đây là nhiệm vụ mới được xác định tại Đề án 977.
Triển khai nhiệm vụ nêu trên, ngày 30/5/2023, Bộ Tư pháp đã có Công văn 2149/BTP-PBGDPL về việc đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của đề án. Trong đó, Bộ Tư pháp đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo, phân công các cơ quan, đơn vị chủ trì tham mưu việc ban hành Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do chính quyền địa phương cấp tỉnh ban hành.
Do đó, để bảo đảm chủ động cho các địa phương trong triển khai nhiệm vụ được giao, UBND cấp tỉnh cần căn cứ điều kiện thực tiễn để chỉ đạo, phân công các cơ quan, đơn vị chủ trì tham mưu việc ban hành Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do chính quyền địa phương cấp tỉnh ban hành. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin pháp luật do chính quyền địa phương cấp tỉnh ban hành được kịp thời, đầy đủ, chính xác; đồng thời, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách, pháp luật của địa phương.
Xem xét miễn giảm hoặc không thu phí thực hiện thủ tục đề nghị tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở
Theo Khoản 7, Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án là một trong những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Theo đó, người nộp đơn yêu cầu tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở phải nộp tiền tạm ứng lệ phí giải quyết việc dân sự theo quy định tại Khoản 2, Điều 146 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Khoản 1, Điều 36 Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án. Mức lệ phí là 300.000 đồng quy định tại Danh mục án phí, lệ phí tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.
Căn cứ các quy định trên, đối tượng được miễn, giảm lệ phí thực hiện thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án thực hiện theo quy định của Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 (Điều 11, 12, 13 Nghị quyết326/2016/UBTVQH14). Về đề xuất nêu trên, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, tổng hợp kiến nghị này và sẽ gửi đến cơ quan có thẩm quyền khi tổng kết việc thực hiện Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14.
Kịp thời ban hành đề cương tuyên truyền văn bản pháp luật mới
Hàng năm, thực hiện trách nhiệm được giao theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), để bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của công dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, ngay sau khi kết thúc các kỳ họp Quốc hội, Bộ Tư pháp kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai các luật, nghị quyết được thông qua tại các kỳ họp. Đồng thời, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương kịp thời triển khai phổ biến các văn bản này dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: Thực hiện cập nhật, đăng tải công khai toàn văn nội dung văn bản luật, pháp lệnh trên Công báo, Cơ sở dữ liệu quốc gia văn bản pháp luật, Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí, truyền thông và các hình thức thích hợp khác để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng khi có nhu cầu.
Các bộ, ngành chủ trì soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết phối hợp Bộ Tư pháp kịp thời biên soạn các tài liệu giới thiệu luật, pháp lệnh, nghị quyết để đăng tải trên Trang thông tin điện tử PBGDPL thuộc Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, đa dạng hóa các hình thức, cách thức triển khai, phổ biến các luật, pháp lệnh mới trong đó kịp thời xây dựng, đăng tải đề cương giới thiệu văn bản pháp luật mới.
Hướng dẫn cụ thể thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ xin xác nhận có quốc tịch Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài
Theo quy định của Nghị định 16/2020/NĐ-CP, ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Quốc tịch năm 2020, “Người yêu cầu cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp, nơi người đó cư trú”.
Vì vậy, để xác định thẩm quyền thụ lý hồ sơ đề nghị Sở Tư pháp căn cứ quy định tại Điều 11 của Luật Cư trú năm 2020 (áp dụng đối với công dân Việt Nam cư trú trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam), "nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú; trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại được xác định theo quy định tại Khoản 1, Điều 19 của Luật này”. Do vậy, đối với những trường hợp là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, về thăm thân nhân, du lịch và lưu trú trong khoảng thời gian ngắn ở Việt Nam như Sở Tư pháp phản ánh sẽ không có thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định thẩm quyền giải quyết việc xác nhận có quốc tịch Việt Nam.
K.N