Kết thúc phiên giao dịch chiều nay (29/11), giá vàng miếng đã giảm gần 1 triệu đồng/lượng so với sáng. Cụ thể, giá vàng miếng được Doji niêm yết ở mức 72,2 - 73,7 triệu đồng/lượng (mua bán). So với mức cao nhất 74,6 triệu đồng/lượng đạt được trong buổi sáng, mỗi lượng vàng ở đây đã giảm 900.000 đồng/lượng.
Tương tự, SJC cũng niêm yết mức giá 72,5 - 73,7 triệu đồng/lượng, giảm 700.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng nay.
Trong khi đó, PNJ niêm yết ở mức 72,8 - 74 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 400.000 đồng/lượng.
Giá vàng chiều nay giảm mạnh. (Ảnh: Doji)
Trái ngược với đà giảm của giá vàng miếng, giá vàng nhẫn chiều nay gần như không biến động, trụ vững trên ngưỡng cao nhất lịch sử.
Cụ thể, giá vàng nhẫn được Doji niêm yết ở mức 61,65 - 62,65 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tại SJC, vàng nhẫn hiện được niêm yết ở mức 61,3 - 62,4 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Giá vàng trong nước sáng nay tăng mạnh do giá vàng thế giới sáng nay cũng thiết lập kỷ lục về giá. Cụ thể, giá vàng thế giới hôm nay niêm yết trên Kitco ở mức 2.040 USD/ounce, tăng 27 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua.
Giá kim loại quý tăng vọt nhờ được kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã kết thúc đợt tăng lãi suất, gây áp lực lên đồng USD và hỗ trợ thị trường kim loại quý.
Giá vàng thế giới tăng mạnh trong vài tuần qua, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát đi tín hiệu ngừng chu kỳ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11 và những tháng tới và có thể bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất từ giữa năm 2024. Việc FED dừng tăng lãi suất cho thấy chính sách tiền tệ của nước này đã bắt đầu chuyển sang nới lỏng hơn, chỉ số đồng USD (DXY) lao dốc mạnh giúp giá vàng hưởng lợi.
Xung đột Nga - Ukraine kéo dài thời gian qua vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại và gần đây là xung đột giữa Israel với Hamas - dù đã có lệnh ngừng chiến nhưng chưa rõ ràng. Khi tình hình địa chính trị căng thẳng sẽ ảnh hưởng kinh tế thế giới, giá dầu và trong bối cảnh này một số ngân hàng, các quỹ đầu tư chuyển sang xu hướng thận trọng hơn sẽ đổ vốn vào vàng.
Nhu cầu về vàng trang sức dịp cuối năm cũng tăng cao ở một số nước như Mỹ, khu vực châu Âu hay châu Á gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam cũng đang vào mùa cưới.
Quan trọng không kém là nhu cầu mua vào vàng của ngân hàng trung ương các nước. Tính đến quý III/2023, ngân hàng trung ương các nước đã mua vào khoảng 800 tấn và có thể vượt 1.000 tấn trong năm nay.
Nguồn cung vàng ổn định hoặc không tăng trong khi nhu cầu tăng thúc đẩy giá vàng lên vùng kỷ lục. Nhiều dự báo cho thấy giá kim loại quý ở thị trường thế giới có thể tiếp tục đà tăng trong 1-2 tháng tới và hướng đến vùng 2.050 USD/ounce hoặc phá vùng đỉnh lịch sử ở 2.080 USD/ounce.
Theo NGỌC VY (VTC News)