Thời khắc năm cũ sắp qua, chắc hẳn, ai cũng mong lãnh đạo ngành giáo dục có những quyết định đúng đắn để giáo dục nước nhà khắc phục được những hạn chế hiện nay.
Xin điểm qua bức tranh giáo dục:
1. Lãng phí SGK tạm tính hơn 2.000 tỷ đồng
Vào ngày cuối năm 2022, Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về GD-ĐT giai đoạn từ ngày 1/1/2014 đến hết năm 2018.
Ảnh: Hoàng Hà
Thanh tra Chính phủ kết luận lãng phí tạm tính về sách giáo khoa, kiến nghị chuyển thông tin tới Bộ Công an xem xét dấu hiệu “lợi ích nhóm” giữa Bộ GD-ĐT với NXB về in ấn, phát hành sách bài tập. Trường hợp tính 65% SGK có các trang sách mà học sinh có thể viết vào không dùng lại được, gây lãng phí cho gia đình học sinh và xã hội, thì giá trị lãng phí tạm tính là 2.374 tỷ đồng.
2. Nhiều trường đại học, cơ sở giáo dục tăng học phí từ 30-70%
Trước tình hình đó, chiều 13/6/2022, tại cuộc họp về công tác điều hành giá các mặt hàng quan trọng, thiết yếu do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá, chủ trì, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ nhất trí với giải pháp của Bộ Tài chính, tiếp tục giữ nguyên, không tăng giá dịch vụ giáo dục (học phí) năm học 2022-2023 trong bối cảnh nhiều mặt hàng tăng giá.
Thứ trưởng cho biết thêm, từ tháng 9 của năm học 2022-2023, sẽ có lộ trình tăng học phí theo quy định, trong đó giáo dục mầm non công lập tăng khoảng 75%, đại học khoảng 12,5%.
3. Đào tạo tiến sĩ
Đầu tháng 5/2022, luận án tiến sĩ “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức TP Sơn La” đã gây tranh cãi trên nhiều diễn đàn về tính khoa học và ứng dụng. Từ đây, rất nhiều câu hỏi được đặt ra về chất lượng chuyên môn của các luận án tiến sĩ.
Trước những bất cập trong công tác đào tạo nhân lực trình độ cao nói chung, trong đó có đào tạo sau đại học, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GD-ĐT kiện toàn hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở đào tạo; tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.
4. Môn Lịch sử trở thành bắt buộc
Câu chuyện môn Lịch sử là môn tự chọn đối với học sinh THPT từ năm học 2022-2023, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục là tâm điểm của dư luận.
Đến cuối tháng 6, sau nhiều tranh luận từ hai phía, cuối cùng Quốc hội đã chọn cách dung hòa: môn Lịch sử trong chương trình giáo dục THPT cần bao gồm cả phần bắt buộc và lựa chọn.
5. Công bố báo cáo giáo dục Việt Nam trong một thập kỷ 2011-2020
Ngày 8/8, tại Hà Nội, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo công bố Báo cáo phân tích ngành Giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Tại hội thảo, nhóm tác giả đã kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm xây dựng chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030 để trình Chính phủ, với các mục tiêu tháo gỡ các hạn chế, vấn đề được phát hiện qua phân tích ngành giáo dục 2011-2020.
Theo báo cáo trên, quy mô giáo dục đại học 10 năm qua không có thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, chất lượng có biến chuyển với việc nhiều trường đại học đã được xếp hạng tại các bảng xếp hạng thế giới. Số lượng bài báo nghiên cứu cũng tăng lên đáng kể. Cũng theo báo cáo, chi phí đóng góp của người dân cho giáo dục đại học tăng gấp đôi sau 10 năm.
6. Chương trình phổ thông quốc gia mới 2018 đi vào giai đoạn quan trọng
Năm 2022 là năm quan trọng của Chương trình phổ thông quốc gia mới 2018 khi bắt đầu triển khai cho cấp THPT và đi nửa chặng đường với cấp tiểu học, THCS. Có nhiều khúc mắc nhưng cũng có nhiều điểm tích cực.
Bên cạnh đó, nhiều nhà trường cho biết đang thiếu trầm trọng giáo viên có thể giảng dạy tích hợp.
7. Nhiều giáo viên bỏ nghề
Năm 2022 đánh dấu con số 1% giáo viên bỏ nghề. Trong khi số giáo viên thiếu từ năm trước chưa kịp bổ sung thì năm học 2021-2022, có hơn 16.000 giáo viên nghỉ, chuyển việc. Số giáo viên thiếu hụt lên đến gần 95.000 người.
Áp lực cần tuyển dụng gấp để đào tạo và tuyển dụng bổ sung cho đội ngũ giáo viên dạy tích hợp phục vụ Chương trình mới 2018 khiến sự thiếu hụt này càng nghiêm trọng.
8. Tuyển sinh 2022, tăng cường ứng dụng công nghệ
Mùa tuyển sinh đại học năm 2022, Bộ GD-ĐT ứng dụng công nghệ đồng bộ từ việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng, đóng lệ phí đến xét tuyển chung tất cả các phương thức. Do chưa có sự chuẩn bị kỹ càng nên phần mềm xét tuyển liên tục xảy ra sự cố, sai sót làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh và việc tuyển sinh của các trường.
78 trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu đã bị Bộ GD-ĐT kiên quyết xử phạt.
9. Đột ngột dừng thi IELTS
Ngày 8/11, Bộ GD-ĐT ban hành công văn về việc tăng cường quản lý liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài, trong đó có chứng chỉ IELTS. Sau đó, Hội đồng Anh và tổ chức IDP Education Việt Nam thông báo tạm hoãn các kỳ thi IELTS...
Tuy nhiên, chỉ mấy ngày sau đó, Bộ GD-ĐT ban hành quyết định cấp phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ IELTS trở lại cho các tổ chức trên.
Việc có nên sử dụng điểm IELTS như là một điểm ưu tiên cho học sinh được tranh luận sôi nổi.
10. Ngộ độc thực phẩm tại Ischool Nha Trang
Vụ ngộ độc thực phẩm ở Trường Ischool Nha Trang được ghi nhận là vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lớn nhất trong học đường từ trước tới nay.
Theo Sở Y tế Khánh Hòa, từ chiều 17/11 đến 11h ngày 22/11, có 662 ca nhập viện (bao gồm học sinh, giáo viên và phụ huynh). Một nam sinh lớp 1 đã tử vong trên đường chuyển viện vào TP.HCM.
Ngày 23/11, Công an tỉnh khởi tố vụ án Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Hàng loạt trường học sau vụ này đã tiến hành rà soát toàn diện đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Việc cần làm trong năm 2023
Điều đầu tiên cần nói đến là Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới sẽ tiếp tục trở thành tâm điểm của các nhà trường, đặc biệt với khối THPT do việc đổi mới cấp lớp này là phức tạp nhất.
Sau đại dịch, giáo dục trực tuyến, đặc biệt là giáo dục trực tuyến xuyên biên giới đang phát triển mạnh mẽ và chắc chắn sẽ có tác động đến Việt Nam trong thời gian tới. Để chuẩn bị và hòa nhập xu thế này, chính sách giáo dục cần chủ động và mở rộng khung pháp lý sẵn sàng cho xu hướng này phát huy tại Việt Nam.
Theo TS. Đàm Quang Minh - TS. Nguyễn Thị Thu Thủy (Vietnamnet)