Bừng sáng Việt Nam!

29/12/2022 - 06:27

 - Sau thời gian gần như bị “đóng băng” do dịch COVID-19, thể thao Việt Nam đã trở lại mạnh mẽ, với nhiều thành tích ấn tượng trong năm 2022. Qua đó, khẳng định khát vọng cống hiến của người làm chuyên môn và vận động viên (VĐV) luôn thi đấu vì màu cờ Tổ quốc.

Võ thuật Việt Nam đại thành công

SEA Games đầy kỷ lục

Bằng những chính sách đúng đắn, linh hoạt và hiệu quả, Việt Nam đã từng bước đẩy lùi dịch COVID-19, nỗi lo về kỳ SEA Games “không khán giả” thực sự được cởi bỏ. Từ đó, tạo nền tảng để thể thao Việt Nam quyết tâm đạt thành tích tốt nhất ở đấu trường khu vực.

Ban tổ chức đã trao 1.759 huy chương các loại. Trong đó, 525 huy chương vàng (HCV), 522 huy chương bạc (HCB) và 712 huy chương đồng (HCĐ); có 30 kỷ lục SEA Games được xác lập. Tại sự kiện này, đoàn thể thao Việt Nam đi vào lịch sử với kỷ lục 205 HCV, phá kỷ lục SEA Games tại 17/30 nội dung. Trong đó, nổi bật là chiếc HCV danh giá của bóng đá nữ và bóng đá nam, khẳng định sức mạnh Việt Nam ở môn thể thao vua tại khu vực Đông Nam Á.

Được tổ chức tại 12 tỉnh, thành phố của Việt Nam, SEA Games 31 nhận được sự ủng hộ, cổ vũ nhiệt tình của khán giả, bất kể môn thi đấu nào, có VĐV nước chủ nhà tham gia hay không. Có thể nói, SEA Games 31 để lại ấn tượng rất lớn đối với những người yêu thể thao, khi hình ảnh về khán đài chật kín khán giả, không khí lễ hội bao trùm khắp nhà thi đấu, sự hò reo, cổ vũ cho VĐV “đội nhà” lẫn “đội khách” một cách vô tư. Đó là minh chứng rõ nhất cho tình yêu thể thao trong sáng, góp phần mang hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, mến khách đến với bạn bè quốc tế.

Võ thuật Việt Nam - địa chấn châu Á

Năm 2022 chứng kiến thành công ngoài mong đợi của võ thuật Việt Nam, với những cái tên: Nguyễn Trần Duy Nhất, Trần Văn Thảo, Lê Hữu Toàn, Đinh Hồng Quân... Họ đã vươn tới danh hiệu cấp châu lục, để võ thuật Việt Nam sánh vai với toàn thế giới.

Trước tiên, đó là 2 chiếc đai WBA châu Á và WBF châu Á - Thái Bình Dương của võ sĩ Boxing Lê Hữu Toàn. Anh đã có màn so găng với đối thủ bất bại người Thái Lan Kitidech Hirunsuk tại sự kiện võ thuật WBA Asia: Vietnamese Dream. Trước đối thủ rất mạnh và trội hơn về thể hình, Lê Hữu Toàn giành chiến thắng và trở thành nhà vô địch WBA châu Á thứ hai trong lịch sử Boxing Việt Nam, sau Trương Đình Hoàng vào năm 2020. Chiến thắng của Hữu Toàn tạo ra địa chấn lớn, khi võ sĩ này mới bén duyên với Boxing được 3 năm, từ xuất phát điểm là một võ sinh Vovinam. Sau đó, Hữu Toàn còn bảo vệ thành công chiếc đai này khi đánh bại võ sĩ kỳ cựu người Philippines Jake Amparo hạng 25 thế giới.

Tiếp nối thành công của đồng nghiệp, võ sĩ Boxing Đinh Hồng Quân xuất sắc đánh bại Delmar Pellio trong trận tranh đai IBF châu Á hạng Lightweight tại sự kiện “IBF WBO 4 Titles Match at The Grand Ho Tram” diễn ra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau đó, Hồng Quân còn bảo vệ thành công chiếc đai danh giá này khi đánh bại võ sĩ Jules Victoriano (Philippines) tại sự kiện “IBF WBO Championship”  cuối tháng 7/2022 cũng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Với “độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất, anh cũng kịp góp mặt vào năm đại thành công của võ thuật Việt Nam với tấm HCV danh giá tại World Games 2022. Duy Nhất đánh bại Almaz Sarsembekov, võ sĩ 26 tuổi người Kazakhstan từng liên tiếp giành 2 chức vô địch thế giới cũng như châu Á. Trong giải đấu này, võ thuật Việt Nam đón tin vui khi “hotgirl Wushu” Dương Thúy Vi xuất sắc đoạt HCV.

Ngoài ra, còn có những “dấu son” của tay đấm lừng danh từng giữ đai WBC châu Á Trần Văn Thảo, khi võ sĩ này lần đầu tiên giành đai vô địch thế giới trên sàn Boxing chuyên nghiệp, đánh dấu cột mốc lịch sử mới cho Boxing nước nhà.

Cầu lông, quần vợt Việt Nam - thành tích lịch sử

Năm 2022 chứng kiến những “điểm sáng” của cầu lông Việt Nam. Trong đó, tay vợt kỳ cựu Nguyễn Tiến Minh lập kỷ lục về số lần dự giải cầu lông thế giới nhiều nhất. Theo thống kê, Tiến Minh 13 lần tham dự giải thế giới vào năm 2005, 2006, 2007, 2009, 2010, 2011, 2013, 2014, 2015, 2018, 2019, 2021 và 2022. Con số này thậm chí còn vượt qua 2 huyền thoại lừng danh của cầu lông thế giới là Lin Dan (12 lần) và Lee Chong Wei (11 lần).

Bên cạnh đó, Tiến Minh (39 tuổi) cũng là tay vợt lớn tuổi nhất thi đấu ở nội dung đơn nam. Thành tích tốt nhất của Tiến Minh ở giải cầu lông vô địch thế giới là tấm HCĐ năm 2013, giải đấu mà anh xuất sắc đánh bại tay vợt hạng 10 thế giới Jan Jorgense. Đây là tấm huy chương đầu tiên và duy nhất của cầu lông Việt Nam tại giải vô địch thế giới cho đến nay.

Ở môn quần vợt, VĐV Lý Hoàng Nam đã có 1 năm thành công ngoài mong đợi. Tay vợt quê Tây Ninh liên tục tự xô đổ kỷ lục thứ hạng của bản thân, lập nên nhiều kỳ tích và mang về danh hiệu chưa từng có: Tham dự 23 giải đấu quốc tế; 5 lần tay vợt 25 tuổi được nâng cao chức vô địch. Danh giá nhất là chiếc cúp ITF Men World Tennis Tour M25 Tây Ninh giành được đầu tháng 10/2022. Hiện tại, Hoàng Nam đang đứng trước cơ hội lần đầu tiên được tham dự giải Grand Slam danh giá Úc mở rộng 2023, khi có tên trong danh sách dự bị vòng loại.

Với nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ, VĐV Việt Nam đã có 1 năm thi đấu xuất sắc, mang về niềm tự hào cho người hâm mộ quê nhà. Họ tạo động lực để thể thao Việt Nam tiếp tục hướng tới thành công trong năm 2023 trên đấu trường khu vực, châu lục và thế giới.

MINH QUÂN