Bước chân lũ trên chốt

19/10/2022 - 07:13

 - Mấy hôm nay, nước lũ tràn đồng An Phú (tỉnh An Giang) tràn về nhiều đoạn đường dân sinh, mấp mé leo lên bậc thang của nhà sàn. Không thể đuổi con nước rời đi sớm, thì mọi người cứ “sống chung với lũ”. Mặc kệ nước lẩn quẩn bên chân, người nào làm việc nấy. Ở chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 cũng vậy…

Anh Nguyễn Minh Cường (dân quân Ban Chỉ huy Quân sự xã Khánh Bình, huyện An Phú) nhẩm tính, đây là mùa nước lên thứ ba, anh có mặt ở chốt trực. Từ khi các chốt được thành lập ở biên giới năm 2020 đến nay, anh từ chốt 17 sang đến chốt 21 (thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình, Bộ đội Biên phòng tỉnh). Bao nhiêu ngày đêm ấy là bấy nhiêu kỷ niệm vui buồn, khó tả.

Trước khi dịch bệnh xuất hiện, ngoài thời gian làm nhiệm vụ dân quân, anh cũng ngụp lặn theo con nước mưu sinh. Không có đất canh tác, anh đi bốc vác, giăng lưới nuôi gia đình. Được sinh ra và lớn lên ở huyện đầu nguồn, đôi lúc anh thấy mọi thứ thật bình yên. Nhưng thi thoảng, vẫn có chuyện phức tạp, nguy hiểm vô cùng. Nước lũ mà, chênh vênh lắm!

“Tôi được phân công trực ở chốt phụ, cách chốt chính vài trăm mét. Nhiệm vụ của anh em trong chốt là quan sát tình hình xung quanh, kịp thời phát hiện bất thường để báo cáo chốt trưởng. Bữa trước ngủ dậy, thấy nước lên cao 1 tấc. Giờ nhảy xuống là nước lút đầu. Có mấy hôm trời mưa nhiều, nước tạt đủ chỗ, không ai dám ngủ. Chúng tôi xin thêm áo phao, phao tròn để đảm bảo an toàn khi đi lại, sinh hoạt” - anh Cường bày tỏ.

Ở chốt chính, thiếu tá Trần Bửu Bửu (Chốt trưởng Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 số 21) xắn quần, bỏ giày dép, mặc nước lúp xúp đến mắt cá chân, lo rửa nồi, chuẩn bị bữa cơm trưa. Ngày thường, nước ở mé sông Bình Di. Nay, nước bò lên cả chục mét, chạm tới chân cầu thang. Anh em phải dùng miếng ván làm cầu. “Muốn quan sát địa hình biên giới cũng khó khăn hơn trước rất nhiều, vì nước dâng cao, chỉ cần đi xuồng ít phút là có thể xuất, nhập cảnh trái phép” - thiếu tá Bửu thông tin.

Khó khăn phần nào được “sở” bớt, khi người dân địa phương đồng lòng hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ (CBCS). Ông Lê Bình Hổ (sinh năm 1974) chia sẻ: “Nhà tôi ở gần chốt, hễ có chuyện gì, tôi cũng chạy ra hỗ trợ. Vụ việc 42 người từ casino bên phía Campuchia bơi qua sông về biên giới tại chốt 21 (ngày 18/8), tôi cùng bộ đội ở chốt đưa vỏ lãi ra cứu người dân. Lúc đó, lo cứu người trước đã, đúng sai tính sau. Hiện giờ, nước lên cao, tôi cho các anh mượn vỏ lãi để đi tuần tra biên giới trên sông. Giúp được các anh chuyện gì, tôi sẵn lòng giúp”. Nói đâu xa, lúc nãy chúng tôi vừa đi tác nghiệp cùng CBCS, cũng bằng vỏ lãi của ông đưa sang!

Nhưng mùa nước đâu phải chỉ mang lại lo toan. Áp dụng tinh thần lạc quan, thích ứng mọi hoàn cảnh, CBCS ở tổ chốt biên giới tự tìm niềm vui từ con nước đặc thù. Mấy hôm rảnh rỗi, họ vừa quan sát đường biên cột mốc, vừa câu cá giải trí. Câu được mớ cá đồng thì bữa cơm vui miệng thêm một chút. Câu không được thì xem như trải nghiệm đáng nhớ mùa này.

Đang nói chuyện với chúng tôi, binh nhất Nguyễn Thành Công mừng rỡ chào đón một “người bạn” bé nhỏ - chú chó 2 tháng tuổi tên Mi. Mấy hôm trước, chốt đón thêm thành viên mới (chính xác là 1 cặp chó) do người dân tặng. Chú chó bé xíu, lăng xăng chạy chỗ này, làm nũng người kia, khiến chốt bớt trầm lắng hơn trước. “Thấy nhỏ vậy chứ bé Mi đã biết giữ chốt. Thấy người lạ, thấy gà đến gần chốt là sủa inh ỏi báo động. Lớn lên chút nữa chắc giúp anh em chúng tôi nhiều lắm!” - Công nói đùa.

Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 số 21 chỉ là một trong hàng trăm tổ chốt được duy trì ở biên giới An Giang sau 3 năm ròng rã. Và tình hình “vượt lũ” của chốt cũng là câu chuyện chúng tôi mượn để diễn tả chung cho nhiều chốt khác. Khó khăn vẫn hiện hữu, dù mùa nước hay mùa khô, dù mưa hay nắng. Chỉ có lòng người bền gan vững chí, vì nhiệm vụ trên vai, vì Tổ quốc trong tim…

Đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, khi bước vào mùa nước nổi, gần 100km đường biên giới (trong đó khoảng 13km đường sông) của An Giang tiếp giáp với các tỉnh Campuchia không còn phân biệt đâu là đường bộ, đâu là đường sông. Điều đó gây khó khăn rất lớn cho công tác phòng, chống các loại tội phạm biên giới. CBCS gần như thức trắng đêm để “canh” biên giới, kiểm soát địa bàn và bắt giữ đối tượng vi phạm.


GIA KHÁNH