Bước phát triển của Chi hội nhà văn Việt Nam tại An Giang

29/07/2022 - 06:56

 - Là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL phát triển Chi hội nhà văn Việt Nam, An Giang đang từng bước khẳng định vừa là “chiếc nôi” ra đời nhiều nhà văn, nhà thơ vang danh cả nước trong giai đoạn sau giải phóng, vừa là bồi dưỡng, hun đúc nhiều cây bút trẻ năng động, sáng tạo, góp phần phong phú cho văn đàn Việt Nam hiện đại.

Xuyên suốt nhiều năm qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh, văn học An Giang đã tập hợp lực lượng sáng tác từ năm 1975 và lực lượng sáng tác sau giải phóng. Có thể nói bước đầu từ số không, văn học sau giải phóng ở An Giang là văn học mới, mang sắc vóc và hơi thở của cách mạng có bước đầu bằng những sáng tác mang đậm nét hò, vè, thông tin cổ động.

Hai lực lượng này đã nhanh chóng xóa bỏ non kém, hình thành sự chững chạc, tươi mới để bắt kịp đà phát triển của văn học cách mạng, xứng đáng là thế hệ tiếp nối những nhà văn, nhà thơ An Giang vanh danh cả nước, như: Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Anh Đức, nhà văn Lê Văn Thảo, nhà văn Mai Văn Tạo, nhà thơ Viễn Phương...

Hội viên nhà văn Việt Nam và các văn nghệ sĩ tại An Giang

Lực lượng sáng tác văn học mới sau năm 1975 đã không ngừng sinh sôi, nảy nở con người và tác phẩm giá trị. Từ những năm đầu thành lập hội, văn học An Giang từng xuất hiện những tác giả tên tuổi, như: Lý Thuận Khanh, Lâm Tâm, Việt Hồng, Xuân Thắng, Quang Tuệ, Hồ Ngọc Hương, Liêm Châu, Trần Hữu Phước… và cho ra đời đầu sách đáng đọc để biết về con người và vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long trong chống giặc và xây dựng quê hương.

Từ năm 1980 đến nay, An Giang có 18 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đến nay không kể những hội viên đã mất và chuyển sinh hoạt đến địa phương khác, số hội viên Hội Nhà văn Việt Nam còn lại 10 hội viên đang hoạt động tích cực tại An Giang, có thể kể đến đó là: Ngô Khắc Tài, Nguyễn Lập Em, Trịnh Bửu Hoài, Hồ Thanh Điền, Trần Thế Vinh, Lê Thanh My, Vũ Đức Nghĩa, Diệu Thanh, Trương Thị Thanh Hiền, Phạm Nguyên Thạch.

Năm 2021, lực lượng văn học An Giang còn nảy nở thêm 2 cây viết trẻ là Nguyễn Đức Phú Thọ, Lê Quang Trạng được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Từ đó, góp phần làm đông đảo thêm số lượng hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tại An Giang. Điều mà không phải tỉnh nào trong khu vực ĐBSCL quy tụ được.

Ngoài ra, An Giang còn thêm những ngòi bút sáng giá, có sách xuất bản được độc giả biết đến, từng nhận nhiều giải thưởng cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc, như: Lâm Long Hồ, Hoàng Thị Trúc Ly, Trần Tùng Chinh, Trương Chí Hùng, Trần Sang, Trần Tâm…

Khẳng định trước sự lớn mạnh của đội ngũ nhà văn An Giang, tháng 6/2022, Hội Nhà văn Việt Nam đã chính thức trao quyết định thành lập Chi hội Nhà văn Việt Nam tại An Giang, do nhà thơ Phạm Nguyên Thạch làm Chi hội trưởng. “Đây là bước ngoặt trưởng thành của nền văn học An Giang, đánh dấu bước phát triển, tạo động lực sáng tác cho những cây bút chuyên nghiệp và mở ra nhiều hướng đi mới cho các nhà văn trẻ An Giang”- nhà thơ Phạm Nguyên Thạch chia sẻ.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Thúy Xuân đánh giá cao quá trình cống hiến lao động sáng tạo của đội ngũ nhà văn, nhà thơ An Giang. Việc ra đời Chi hội Nhà văn Việt Nam đánh dấu một quá trình, một chặng đường dài lao động bền bỉ, vượt khó vươn lên, sự tận tâm với nghề nghiệp của anh em văn nghệ sĩ. Đây là cơ hội, tiền đề, mở ra nhiều hướng phát triển mới, tạo điều kiện cho nhà văn trẻ phát triển trong thời gian tới. An Giang thật tự hào khi là Chi hội Nhà văn Việt Nam đầu tiên tại khu vực ĐBSCL. Từ 12 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trong tỉnh và gần 800 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trên khắp mọi miền cả nước, hy vọng đây là lực lượng sáng tác mạnh mẽ, có nhiều đóng góp cho văn đàn Việt Nam trong thời gian tới.

 “Trong quá trình vận động và phát triển xã hội, trong mỗi giai đoạn của lịch sử đều có những sự kiện mang tính chi phối, làm xã hội tồn tại những mặt tích cực, tiêu cực, cái đẹp và cái chưa đẹp, những gam màu tươi sáng và u tối đan xen nhau, tác động lên tâm tư, tình cảm của mỗi người. Do vậy, chính nhà văn, văn nghệ sĩ bằng sự nhạy cảm, tinh tế, nhận diện và bóc tách những cái đẹp, nhân văn, lan tỏa tình yêu thương trong cộng đồng. Đồng thời, phê phán những cái xấu, cái chưa tốt, cái tiêu cực nhằm góp phần xây dựng xã hội hướng đến chân-thiện-mỹ.

Hơn lúc nào hết, các nhà văn, nhà thơ nói riêng, giới văn nghệ sĩ nói chung cần ý thức vai trò, sứ mệnh rất quan trọng của mình, đặc biệt là các nhà văn trẻ cần sống có trách nhiệm, lý tưởng và hoài bão để cống hiến cho cuộc đời bằng những tác phẩm văn học nghệ thuật tươi đẹp, đem lời văn, tư tưởng có giá trị để góp phần xây dựng quê hương đất nước, phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn” - bà Thái Thúy Xuân nhắn nhủ đầy tâm huyết.

NGỌC GIANG