Buổi “Tiếp xúc cử tri” hiệu quả

10/10/2019 - 08:17

 -  Đầu tháng 10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh có buổi tiếp xúc, gặp gỡ Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành trước kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Theo Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân, những lần tổ chức “Tiếp xúc cử tri đặc biệt” như thế này chứng tỏ tính hiệu quả, giúp rà soát lại các đầu công việc của hệ thống chính trị tỉnh, tự bàn bạc hướng giải quyết theo thẩm quyền. Đồng thời, tập trung kiến nghị với Quốc hội, Trung ương những vấn đề lớn, vượt ngoài tầm tay của tỉnh.

Nhiều kiến nghị được ghi nhận và giải quyết

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng thông tin: “Tại buổi làm việc với Đoàn ĐBQH tỉnh trước kỳ họp lần thứ 7, Quốc hội khóa XIV (tháng 5-2019), UBND tỉnh đã có nhiều kiến nghị và được Đoàn ĐBQH tỉnh có ý kiến, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về chủ trương, cơ chế chính sách, công trình cụ thể, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương. Cũng thông qua Đoàn ĐBQH tỉnh, UBND tỉnh được làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), được gửi gắm ý kiến đến các bộ, ngành có liên quan. UBND tỉnh trân trọng ghi nhận những hỗ trợ, đóng góp của Đoàn ĐBQH tỉnh, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua”.

Đơn cử như, việc An Giang kiến nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên, Chính phủ ghi nhận và đề xuất Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Sau kỳ họp, Quốc hội đã ban hành nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, cho phép sử dụng nguồn dự phòng của kế hoạch cho dự án; Bộ GTVT quyết định phê duyệt dự án. Ngày 18-9, tại buổi làm việc với UBND tỉnh, Bộ GTVT thống nhất cho tỉnh ứng vốn ngân sách tỉnh để giải phóng mặt bằng dự án, mức tạm ứng khoảng 80% (tương đương 275 tỷ đồng). Sau khi có văn bản chính thức của Bộ GTVT, UBND tỉnh sẽ triển khai thực hiện. 

Ngoài ra, An Giang đã kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24-11-2017 để tỉnh tiến hành lập nhiệm vụ quy hoạch, tích hợp các quy hoạch vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050; kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành thông tư hướng dẫn về định mức chi phí hoạt động quy hoạch, để khái toán chi phí lập quy hoạch và có cơ sở để ghi vốn cho hoạt động lập quy hoạch. Các kiến nghị này đã được Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện…

Buổi “Tiếp xúc cử tri” hiệu quả

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nêu các đề xuất, kiến nghị với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Ảnh: GIA KHÁNH

Tiếp tục kiến nghị những vấn đề “nóng”

Trong kỳ “tiếp xúc cử tri đặc biệt” lần này, vấn đề được quan tâm nhất là tình hình sạt lở bờ sông khu vực ĐBSCL nói chung, An Giang nói riêng đang diễn biến hết sức phức tạp. Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn tỉnh hiện có 52 điểm cảnh báo sạt lở ở mức nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, với tổng chiều dài cảnh báo là 162,2km; khoảng 20.000 hộ dân bị ảnh hưởng (trong đó có 5.300 hộ cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở), gây khó khăn đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, việc xử lý, ứng phó với sạt lở của các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, chưa mang tính tổng thể, đồng bộ. Đồng thời, gặp rất nhiều khó khăn trong việc bố trí tái định cư cho hộ dân. Tỉnh kiến nghị Trung ương phân bổ nguồn vốn phù hợp tình hình đặc thù ở An Giang, sau khi đã có nghiên cứu, đánh giá tổng thể tình hình sạt lở, đề ra giải pháp xử lý.

Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ - Sóc Trăng nằm trong Quy hoạch đường cao tốc khu vực phía Nam. Phạm vi đầu tư có điểm đầu tại TP. Châu Đốc, điểm cuối tại TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng), dài 200km, tổng mức đầu tư khoảng 29.000 tỷ đồng. An Giang kiến nghị Chính phủ cho phép lập hồ sơ đề xuất đầu tư năm 2019 và cho chủ trương bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, tuyến N1 chạy dọc theo biên giới Việt Nam - Campuchia, đi qua 4 tỉnh (Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang) có tổng chiều dài 250km. Đoạn qua địa phận An Giang dài 68km. Thời gian qua, đoạn qua tỉnh An Giang (từ Châu Đốc đến ranh Hà Tiên, Kiên Giang, dài 48km) đã được Bộ GTVT đầu tư hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa và hành khách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh cho khu vực. Đoạn còn lại (từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, dài 17km) cũng được bộ ghi nhận, đưa vào kế hoạch trung hạn, ưu tiên 2. Vì vậy, tỉnh kiến nghị bộ sớm đầu tư công trình này…

Ngoài các kiến nghị của UBND tỉnh, các vị ĐBQH tỉnh đã thông tin thêm các ý kiến đóng góp của cử tri khi Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8 trên địa bàn tỉnh; phân tích sâu các kiến nghị, vướng mắc của tỉnh; lắng nghe ý kiến của lãnh đạo sở, ngành, Thường trực UBND tỉnh đối với các vấn đề “nóng” của tỉnh. Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân ghi nhận ý kiến của tỉnh, đề nghị: “Các cơ quan tham mưu cần chuẩn bị nội dung một cách cụ thể, kỹ lưỡng, bằng các báo cáo chuyên sâu; chú trọng đề xuất về mặt cơ chế. Trong đó, chú trọng 4 vấn đề lớn trên địa bàn tỉnh, gồm: khắc phục sạt lở, giải quyết bài toán khó trong sản xuất nông nghiệp, các dự án hạ tầng giao thông quan trọng, vướng mắc trong hoạt động lập pháp. Đặc biệt, UBND tỉnh, các sở, ngành cần soát xét lại công việc đã làm được, những công việc trước mắt, năm tới, nhiệm kỳ tới… Cần tính toán về ghi danh mục đầu tư công trung hạn 5 năm tới, nếu “chậm tay” hoặc không tính toán tổng thể để kiến nghị đúng lúc, sẽ không được Trung ương chấp thuận. Sau cuộc họp, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến của UBND tỉnh, các sở, ngành để kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành bằng hình thức phù hợp”.

GIA KHÁNH